Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) của Israel trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm hướng tới nâng cao giá trị, phát triển bền vững ngành Nông nghiệp.
Một mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng ở phường Xuân Tân, TP.Long Khánh (ảnh minh họa). Ảnh: L.Phương |
Vừa qua, đơn vị tư vấn lập đề án này - Công ty cổ phần công nghệ giáo dục 3A (TP.Hồ Chí Minh) - đã có báo cáo một số nội dung chính về nghiên cứu khả thi của đề án. Nhiều ý kiến cho rằng, đề án cần tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu và “nâng chất” công nghệ cao trong dự án một cách cụ thể thay vì một số giải pháp còn mơ hồ, chưa rõ ràng.
* Chưa có nhiều giải pháp mới
Đề án phát triển NNUDCNC của Israel trên địa tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Đồng Nai giao cho Công ty cổ phần công nghệ giáo dục 3A hợp tác với Công ty TNHH tự động hóa nông nghiệp Dagan (Israel) nghiên cứu xây dựng. Từ tháng 4-2019, nhóm chuyên gia trong nước cùng các chuyên gia đến từ Israel đã tiến hành khảo sát, thu thập các thông tin về thực trạng, khả năng phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu trong quá trình hoàn thiện đề án, đơn vị tư vấn cần chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương khoanh vùng cụ thể đối với các giải pháp sản xuất công nghệ cao để địa phương đưa vào quy hoạch, đề ra chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp. |
Từ thực tế trên, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến năm 2025, tỷ trọng giá trị NNUDCNC chiếm 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và đến năm 2030, Đồng Nai sẽ hình thành ngành NNUDCNC hiệu quả và phát triển bền vững.
Dự kiến các chương trình trọng điểm và các dự án ưu tiên đầu tư về phát triển NNUDCNC các năm 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025 có tổng vốn đầu tư đề xuất khoảng hơn 980 tỷ đồng (hơn 445 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước).
Trong đó, có dự án về đầu tư xây dựng khu NNUDCNC; nhóm dự án phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; nhóm dự án hỗ trợ sản xuất, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm; nhóm dự án phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt; nhóm dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực để phục vụ nhóm dự án phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt...
Về các giải pháp cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: hệ thống nhà màng, tưới nước nhỏ giọt, tưới phun.... Đối với ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dự thảo đề án đề cập đến hệ thống chăn nuôi theo mô hình khép kín, quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng các biện pháp sinh học và cơ học trong việc xử lý chất thải trong chăn nuôi và công nghệ nhà lưới, nhà màng trong nuôi tôm, nuôi hàu trên giá thể treo trên lồng bè...
Nhận xét về các giải pháp, phương án mà đơn vị tư vấn đưa ra, ông Lê Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho rằng giải pháp còn mang tính chung chung, chưa thể hiện rõ hàm lượng công nghệ cao và các thế mạnh của địa phương. Đơn cử, hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.Long Khánh đang gặp nhiều khó khăn ở khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, dù đã góp ý nhưng trong đề án cũng chỉ nêu giải pháp kêu gọi doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Cùng quan điểm, bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho rằng, đề án cần lưu ý nguồn vốn đầu tư. Các công nghệ, ứng dụng cần được lựa chọn một cách phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương. Từ đó, xem xét, bổ sung, điều chỉnh nội dung các dự án trong đề án phù hợp với các quy hoạch của địa phương.
Ngoài ra còn có các ý kiến cho rằng các giải pháp khác cũng chỉ ở mức công nghệ chứ chưa phải là công nghệ cao, đơn cử như giải pháp tưới nước tiết kiệm mới chỉ là giải pháp mang nặng tính kỹ thuật, chưa thực sự mới vì đã được nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng.
* Tránh áp dụng rập khuôn
Ông Trần Thế Vinh, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai nhận định, báo cáo nghiên cứu khả thi của đề án vẫn còn thiếu các giải pháp mang tính định hướng phát triển chung cho ngành nông nghiệp, cần nêu rõ thế mạnh về công nghệ thông tin của nông nghiệp Israel và chỉ ra những công nghệ nào có thể áp dụng, định hướng áp dụng như thế nào cho phù hợp với địa phương.
TS.Lê Công Trứ, đại diện nhóm tư vấn lập đề án thừa nhận, một số số liệu về thực trạng của đề án còn sử dụng số liệu cũ chưa phù hợp. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sẽ ghi nhận các ý kiến phản biện để rà soát, đưa ra những giải pháp phù hợp, thể hiện rõ hơn hàm lượng công nghệ cao trong các phương án, giải pháp cụ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng dự án vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa cập nhật những số liệu mới nhất về thực trạng trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đề án hiện chưa đưa ra giải pháp nào do chuyên gia Israel đề xuất.
Đề án cần rà soát lại, tham khảo, dựa vào tình hình thực tế để tận dụng “chất xám” của các chuyên gia Israel, cũng như có thể kết hợp nhiều mô hình phù hợp vào thực tế sản xuất của Đồng Nai, chứ không lấy nguyên xi các mô hình từ nước bạn để áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc.
Lam Phương