Kinh tế

Thu hút đầu tư FDI: "Vượt đích" từ giữa năm

Theo kế hoạch năm 2019, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng Nai phấn đấu đạt khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ sau 2 quý đầu năm, lượng vốn FDI đăng ký đã vượt kế hoạch năm gần 9%. Dự tính, vốn FDI đầu tư vào Đồng Nai trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng cao.

Sản xuất tại Công ty TNHH Shenghong Precision Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Giang
Sản xuất tại Công ty TNHH Shenghong Precision Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Giang

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào tỉnh hơn 1,09 tỷ USD. Dòng vốn trên chủ yếu “đổ” vào các khu công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

* Hấp dẫn nhà đầu tư mới, cũ

Dẫn đầu về số vốn trong đầu tư mới và tăng vốn của 6 tháng đầu năm 2019 là Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Công ty đã đầu tư 100 triệu USD để xây dựng Nhà máy sản xuất mũ giày dép và linh kiện giày tại Khu công nghiệp Tân Phú (huyện Tân Phú).

Với nhiều lợi thế về giao thông và khí hậu, Đồng Nai vẫn đang là điểm đến hấp dẫn nhiều doanh nghiệp FDI mới và cũ. Do đó, chỉ 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút được 102 dự án, gồm 46 dự án cấp mới và 56 dự án điều chỉnh tăng vốn.

Phần lớn các dự án thu hút được vốn đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp hỗ trợ, dệt may, giày dép... Ngoài ra, những dự án cấp mới của năm nay có bình quân vốn đầu tư cao hơn năm trước. Cụ thể, các dự án cấp mới có tổng vốn đăng ký hơn 508 triệu USD, bình quân hơn 11 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân năm 2018 là trên 4 triệu USD/dự án.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Các doanh nghiệp FDI chọn Đồng Nai bởi đây là khu vực có công nghiệp phát triển hàng đầu Việt Nam, tập trung nhiều nhà máy sản xuất lớn nên dễ dàng tìm được nhà cung ứng sản phẩm đầu vào để hưởng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) khi xuất khẩu”. Bên cạnh đó, Đồng Nai có hạ tầng các khu công nghiệp hoàn chỉnh và là đầu mối giao thông khu vực phía Nam nên khi doanh nghiệp đầu tư dự án tại Đồng Nai thì vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện.

Cũng theo ông Cao Tiến Sỹ, hiện nay, dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ trong đầu tư vào Đồng Nai là Hàn Quốc, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... Chỉ riêng Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay đã đầu tư vào tỉnh khoảng 16 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 290 triệu USD, chiếm 57% dòng vốn FDI mới vào tỉnh.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai nhận xét: “Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã đến Đồng Nai đầu tư nhà máy để sản xuất. Sau đó, họ kéo theo các doanh nghiệp khác cung ứng nguyên phụ liệu. Những doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh khá thành công nên Đồng Nai tiếp tục là nơi được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chọn lựa đầu tư mới và tăng vốn mở rộng sản xuất”.

* Nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ

Trong 2 quý đầu năm nay, Đồng Nai đã thu hút được 16 dự án công nghiệp hỗ trợ mới có tổng vốn đăng ký là hơn 221 triệu USD, chiếm 43,5% trong tổng vốn đăng ký mới. Như vậy, thu hút FDI đã đi đúng theo yêu cầu của tỉnh, ưu tiên lựa chọn sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ( khu công nghiệp Nhơn Trạch 3)
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ( khu công nghiệp Nhơn Trạch 3)

Trong đó, Nhật Bản là quốc gia đầu tư vào tỉnh 10 dự án chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nơi các doanh nghiệp chọn đầu tư nhiều là Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 260 dự án, tổng vốn hơn 4,6 tỷ USD. Lĩnh vực doanh nghiệp đầu tư nhiều là công nghiệp hỗ trợ để cung cấp nguyên phụ liệu cho các tập đoàn lớn của Nhật đang hoạt động ở Việt Nam và xuất khẩu. Thời gian tới, Đồng Nai vẫn là nơi được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn lựa trong đầu tư mới và mở rộng sản xuất”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cam kết, Đồng Nai sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có thể gửi về Ban Quản lý các khu công nghiệp hoặc Sở Kế hoạch - đầu tư để được tháo gỡ kịp thời. Những vấn đề quá khó khăn có thể liên hệ trực tiếp với lãnh đạo tỉnh.

Theo đại diện của Công ty Ajinomoto Việt Nam, Tập đoàn Ajinomoto (Nhật Bản) đã đầu tư vào Đồng Nai từ năm 1991 và khá thành công. Ban đầu công ty chỉ sản xuất vài sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhưng nay đã tăng lên trên 20 sản phẩm và Ajinomoto trở thành thương hiệu được nhiều người dân Việt Nam tin tưởng lựa chọn. Hiện vốn đầu tư của Ajinomoto vào Đồng Nai là trên 70 triệu USD và giải quyết việc làm cho hơn 2,6 ngàn lao động.

Ông Park Il Bong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hi Knit (100% vốn Hàn Quốc) nói: “Công ty đầu tư nhà máy sản xuất gia công vải dệt kim với tổng vốn khoảng 90 triệu USD. Mục tiêu để cung ứng các loại vải dệt kim cho các doanh nghiệp ngành dệt may nội địa và xuất khẩu”. Công ty chọn Đồng Nai vì tỉnh là một trong những nơi có ngành dệt may phát triển nhất Việt Nam nên nhu cầu tìm đối tác cung ứng sản phẩm trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận rất thuận lợi.

Dự tính, nguồn vốn FDI đổ vào tỉnh từ nay đến cuối năm và trong thời gian tới vẫn sẽ tăng cao. Tỉnh cũng đang có kế hoạch mở rộng và đầu tư mới nhiều khu công nghiệp để thu hút thêm vốn đầu tư FDI.

Uyển Nhi

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,135,790       388