Đồng Nai đang gặp một số vướng mắc trong việc triển khai các dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của trung ương. Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Trung về việc tháo gỡ những khó khăn này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Trung |
Đồng Nai đang gặp một số vướng mắc trong việc triển khai các dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của trung ương. Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Trung về việc tháo gỡ những khó khăn này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Phân quyền thực hiện dự án
Đầu tư công của Đồng Nai giải ngân chậm, nguyên nhân là do vướng nhiều thủ tục trong đầu tư. Những vấn đề này sẽ được tháo gỡ như thế nào?
- Không chỉ Đồng Nai mà các tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư dẫn đến việc giải ngân chậm, dự án kéo dài. Qua làm việc với Đồng Nai, tôi nhận thấy ba vướng mắc lớn, thứ nhất là giải phóng mặt bằng, dù tỉnh đã tích cực triển khai nhưng vẫn chậm so với tiến độ. Nguyên nhân thứ hai là do công tác tư vấn, thẩm định dự án chưa tốt và nguyên nhân thứ ba, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công không làm đúng theo tiến độ.
Bên cạnh đó, có nhiều vướng mắc trong văn bản luật, dưới luật, do đó tôi sẽ ghi nhận những khó khăn của tỉnh đểbáo cáo với Chính phủ tháo gỡ kịp thời cho tỉnh để triển khai dự án nhanh hơn. Trong đó, tôi sẽ kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Đồng Nai một số khâu trong thực hiện các dự án lớn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh trong triển khai các dự án.
Tại Đồng Nai có nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng phải nằm chờ vì thiếu vốn, theo Thứ trưởng phải làm gì để tạo nguồn vốn đầu tư các dự án?
- Hiện nay, việc thiếu vốn để triển khai các dự án hạ tầng giao thông đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Đồng Nai là cửa ngõ về giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng lớn hơn. Nguồn ngân sách nhà nước có hạn nên việc bố trí vốn sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trước đây, nhiều tỉnh đề xuất làm đường giao thông theo hình thức BT, nhưng quá trình thực hiện xảy ra một số bất cập nên Chính phủ đã ra quyết định tạm ngưng. Dự kiến trong thời gian tới, Chính phủ sẽ cho thực hiện lại để các tỉnh, thành có vốn triển khai các dự án. Hiện một số tỉnh tìm vốn cho dự án bằng cách đấu giá các khu đất công hoặc bỏ vốn ngân sách ra làm đường và thu hồi đất hai bên đường mới xây dựng để đấu giá lấy kinh phí thực hiện.
* Hài hòa lợi ích doanh nghiệp - Nhà nước
Gần đây, chuyển nhượng vốn, cổ phần, dự án ở Đồng Nai diễn ra khá sôi động. Nhiều ý kiến cho rằng quá trình quản lý còn lỏng lẻo có thể gây thất thu cho ngân sách. Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc này?
- Giữa chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn, cổ phần được quản lý bằng 2 quy định khác nhau. Trong đó, chuyển nhượng vốn, cổ phần thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và chuyển nhượng dự án theo Luật Đầu tư. Song hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp không chuyển nhượng dự án nhưng lại chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng trên 51% cổ phần của công ty đó sẽ nắm quyền điều hành và các dự án của công ty đã chuyển nhượng. Về bản chất kinh tế thì đây là hình thức chuyển nhượng dự án dưới hình thức mua cổ phần. Vấn đề này đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Vì thế, quản lý nhà nước phải chặt chẽ, minh bạch và phải cân nhắc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp. Như vậy sẽ đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước, đồng thời giúp dự án triển khai nhanh góp phần phát triển kinh tế.
Có một số doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai sau khi di dời nhà máy, thời hạn thuê đất còn muốn đầu tư dự án khu dân cư theo quy hoạch nhưng Luật Đầu tư không quy định cho phép. Tỉnh đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch - đầu tư, việc này sẽ giải quyết như thế nào?
- Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng đã nhận được phản ảnh về tình trạng này và đang xem xét để kiến nghị Chính phủ biện pháp giải quyết để Đồng Nai có thể thu hút thêm được đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản hình thành được các khu đô thị thông minh.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Minh(thực hiện)