Ngày 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước để đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tạo bước đột phá trong xuất khẩu.
Vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó là: thủ tục hành chính, hải quan, thuế, lao động, chi phí logistics cao.
Sản xuất gốm xuất khẩu tại phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa. Gốm Đồng Nai xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia. Ảnh: H.GIANG |
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu Việt Nam năm 2017 đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016; trong đó có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong quý I-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu.
* Khó khăn của doanh nghiệp
Trong 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai ước đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng khoảng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng Nai hiện là một trong 5 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. |
Tuy thủ tục hành chính trong xuất khẩu đã được đơn giản và rút ngắn thời gian nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu. Vì vậy, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề đều đề xuất tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các loại phí và mức thu phí từ hàng hóa xuất nhập khẩu để tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam còn quá cao nên cần có giải pháp giảm chi phí...
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bày tỏ: “Năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may các nước trong khu vực đều giảm mạnh, riêng Việt Nam tăng trưởng khá cao là do doanh nghiệp biết tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại. Song những khó khăn của ngành là quy định về thời gian làm việc của công nhân quá khắt khe, chi phí vận tải cao, hầu hết các tỉnh đều từ chối những dự án dệt nhuộm khiến tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thấp. Nếu những khó khăn trên được tháo gỡ, ngành dệt may sẽ có những đột phá lớn”.
Chủ tịch Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn khẳng định các nước đang nhập khẩu giày, dép khoảng 400 tỷ USD/năm, trong đó 70% giày, dép được sản xuất tại châu Á. Thị trường xuất khẩu giày, dép của Việt Nam còn rất lớn. “Hiện giày, dép Việt Nam xuất khẩu đang gặp những nút thắt là chi phí logistics cao, thủ tục hậu kiểm thông quan còn rườm rà, thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, chưa có điều tra đánh giá chính xác về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Những nút thắt trên nếu được gỡ kịp thời thì xuất khẩu giày, dép sẽ có những bước tiến xa hơn nữa” - ông Thuấn nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cũng có chung đề xuất là Chính phủ cần có những giải pháp giảm chi phí logistics, thông tin nhanh về thị trường, chính sách mới của các nước trong nhập khẩu hàng hóa để doanh nghiệp biết chuẩn bị.
* Có nơi tiêu thụ mới sản xuất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp trước khi sản xuất phải tìm được thị trường tiêu thụ để tránh hàng hóa sản xuất ra bị dư thừa, đồng thời phải đa dạng mặt hàng xuất khẩu để mở rộng thị trường tiêu thụ; sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng để giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phía các bộ, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách, vốn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các địa phương cần quy hoạch định hướng sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, tránh sản xuất theo phong trào để xảy ra khủng hoảng thừa như: heo, chuối phải tiến hành “giải cứu”. Sản xuất nông nghiệp phải tạo thành chuỗi gắn thu hoạch, chế biến tạo giá trị gia tăng cao. Với xuất khẩu nên giữ vững thị trường truyền thống, mở thêm các thị trường mới. Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng đàm phán các hiệp định thương mại, nhanh chóng ký kết tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nên chú ý thị trường nội địa, tìm cách giảm nhập siêu.
Thứ thưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: “Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiến hành hỗ trợ hoàn thuế cho các doanh nghiệp nhanh, sẽ có những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics xuống khoảng 3-4%”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu là tác động vào phía cung, thúc đẩy sản xuất tạo nguồn hàng có chất lượng cao cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; đàm phán mở cửa, phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tiếp tục đề nghị các bộ, ngành liên quan cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, từng bước tiến đến cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư và xuất khẩu.
Hương Giang