Kinh tế

Gom đất lúa lập khu dân cư "chui"

Tại xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) có nhiều dự án đang chuẩn bị triển khai, khiến giá đất tăng lên từng ngày. "Ăn theo" các dự án này, việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp...cũng trở nên nhộn nhịp.

Tại xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) có nhiều dự án đang chuẩn bị triển khai khiến giá đất tại địa phương tăng lên từng ngày.

Sơ đồ các nền đất do Công ty TNHH địa ốc T.N. đưa ra sau khi diện tích đất lúa được san lấp mặt bằng xong.
Sơ đồ các nền đất do Công ty TNHH địa ốc T.N. đưa ra sau khi diện tích đất lúa được san lấp mặt bằng xong.

“Ăn theo” các dự án này, việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp bao gồm cả đất trồng lúa tại xã Lộ 25 cũng trở nên nhộn nhịp.

* “Xẻ thịt” đất lúa

Từ đầu năm 2018 đến nay, đến xã Lộ 25 ngoài thông tin địa phương đang chuẩn bị triển khai dự án đường tránh hương lộ 10, khu công nghiệp... thì chuyện người dân rao mua bán đất cũng “nóng hổi” không kém. Dọc tỉnh lộ 769 qua địa bàn xã, chỗ nào cũng có bảng quảng cáo ghi bán đất.

 Liên hệ theo số điện thoại ghi trên tấm biển quảng cáo, ngỏ ý là người có nhu cầu mua đất, chúng tôi được một người tên Dũng là nhân viên của Công ty TNHH địa ốc T.N. giới thiệu hiện ở khu đất thuộc cánh đồng Cây Khô (ở ấp 3) đang có các lô đất mà công ty mới mở.

Mua đất từ các dự án “chui” có thể gặp rủi ro

Luật sư Lê Văn Nhân (thuộc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh) khuyến cáo mua bán, chuyển nhượng đất khi chưa đủ điều kiện mà không có một cơ quan có thẩm quyền hay tổ chức công chứng nào xác nhận thì sẽ gặp rủi ro rất lớn. Thường thì phần thiệt hại luôn thuộc về phía người mua. Do vậy, người dân cần tỉnh táo trước những lời mời mua đất từ các dự án “chui”.

Dũng nhiệt tình dẫn chúng tôi đi xem thực tế khu đất đang rao bán tại cánh đồng này. Trước mắt chúng tôi là một khoảnh đất trống rộng lớn nằm cách đường tỉnh 769 khoảng 200m, xung quanh là các ruộng bắp, dưa leo, đậu... sắp cho thu hoạch.

Hiện tại, khu đất này đang rầm rộ tập trung rất nhiều máy móc để san lấp mặt bằng với hàng ngàn mét khối đất đã được đổ xuống đây. Dũng cho biết sau khi đổ đất xuống các thửa ruộng, san lấp mặt bằng xong, công ty sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng: đường nội bộ rộng 5m, trồng cột điện, cây xanh và phân chia lô đất...

Để giới thiệu chi tiết thêm về “dự án” đang “hot” tại địa phương này, Dũng mời chúng tôi về trụ sở của công ty cách đó khoảng 2 km (đóng tại ấp 2, xã Lộ 25) để “tư vấn” thêm. Tại Công ty TNHH địa ốc T.N., ngoài Dũng còn có một nhân viên nam khoảng 25-28 tuổi cũng ngồi tư vấn với những lời hứa hẹn trên “mây”.

Để quảng cáo thêm về “dự án” đất mà công ty đang mở bán, Dũng đưa ra tấm bản đồ khu đất sau khi hình thành và phân chia nền. Cụ thể, khu đất trên có diện tích 1 hécta, được phân làm 82 lô đất, mỗi lô rộng từ 100-160m2, giá đất tùy thuộc vào vị trí mà dao động trong khoảng 140-200 triệu đồng/lô.

Vì là đất trồng lúa nên người mua khá lo lắng về tính pháp lý của các nền đất cũng như quy trình giao dịch chuyển nhượng, nhưng Dũng đã kịp thời trấn an và khẳng định chắc nịch “không sao cả”. Theo người này, dù hiện phần lớn diện tích của dự án là đất trồng lúa của 8 hộ dân, nhưng đã được công ty sang nhượng thành lập “khu dân cư” nên việc giao dịch sẽ thực hiện bằng cách lập “vi bằng” thông qua một văn phòng thừa phát lại ở TP.Biên Hòa.

Theo quy định, đất lúa sẽ không thể tiến hành tách thửa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng được nhà ở, nhưng Dũng vẫn một mực khẳng định sau khi xây dựng hạ tầng xong thì việc làm nhà ở là chuyện bình thường, không có vấn đề gì?!

“Đây là dự án đón đầu nên sẽ phải chờ đến khi các dự án khu dân cư khác triển khai tại đây thì khu này cũng sẽ được quy hoạch làm khu dân cư, lúc đó sẽ được cấp sổ. Còn đến bao lâu nữa thì còn tùy thuộc vào... chính quyền địa phương. Do đó, giá đất mới rẻ như vậy, chứ nếu quy hoạch khu dân cư thì giá sẽ lên cao”  - Dũng lý giải thêm.

* Địa phương không biết

Một số nhân viên Công ty địa ốc T.N. cũng “bật mí” sau khi rao bán gần tháng nay, hiện khu đất trên đã có khoảng 70% lô đất đã có người mua hoặc đặt cọc, nếu chúng tôi không “nhanh chân” thì sẽ hết. Ngoài ra, một số người còn tiến hành mua đi, bán lại với giá cao hơn gấp nhiều lần giá đã mua của công ty.

Khu đất tại cánh đồng Cây Khô (thuộc ấp 3, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) đang được san lấp mặt bằng.
Khu đất tại cánh đồng Cây Khô (thuộc ấp 3, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) đang được san lấp mặt bằng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, Công ty TNHH địa ốc T.N. mới được thành lập ngày 22-3, trụ sở tại địa chỉ khóm 2, ấp 2 (xã Lộ 25). Công ty đứng ra “gom” đất lúa với giá rất rẻ, sau đó tiến hành san lấp mặt bằng nhằm phân lô, bán nền với giá từ 140-200 triệu đồng/nền. Sau khi thực hiện xong “dự án” này Công ty TNHH địa ốc T.N. sẽ thu lợi trái phép số tiền không nhỏ.

Trước thực trạng đất trồng lúa bị “xẻ thịt” để lập dự án khu dân cư diễn ra ngang nhiên tại địa phương đã lâu, nhưng đến nay phía Công ty TNHH địa ốc T.N. vẫn có thể tiếp rao bán các lô đất mới, Chủ tịch UBND xã Lộ 25 Nguyễn Văn Chín lý giải là do... chưa nhận được phản ánh của người dân về việc phân lô, bán nền ở khu vực trên. Nếu có việc mua bán đất thì chủ yếu do người dân giao dịch giấy tay và không thông qua xã nên rất khó phát hiện.

Ông Chín lý giải thêm, đất trồng lúa không thể tiến hành phân lô, bán nền được. Địa phương cũng chưa cho phép bất cứ ai đứng ra xây dựng nhà ở trên đó. Mới đây, khi phát hiện san lấp mặt bằng làm dự án trên đất trồng lúa tại khu vực đang được rao bán, chính quyền xã Lộ 25 đã tiến hành cắm biển khuyến cáo người dân mua đất nền ở đây.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn có tình trạng đất san lấp mới được ai đó đổ xuống ngay khu đất Công ty TNHH địa ốc T.N. lập dự án. Hàng ngàn mét khối đất, đá đã được đổ xuống ruộng để lập dự án mà không gặp bất cứ khó khăn nào dù khu vực trên chỉ cách UBND xã Lộ 25 chưa đầy 2km.

“Nếu có chuyện phân lô, bán nền trên đất trồng lúa địa phương sẽ biết ngay, việc làm này là sai trái. Để ngăn chặn vấn đề này, chúng tôi sẽ tuyên truyền để người dân không tự ý mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp trái phép” - ông Chín nhấn mạnh.

Thanh Hải

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,998,767       582