Năm 2004, huyện Cẩm Mỹ thành lập trên cơ sở gồm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Đến nay, địa phương đã vươn lên phát triển sản xuất hiện đại, thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng/năm.
Đoàn thẩm định nông thôn mới trung ương thăm vườn cây ăn trái tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: T.L |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá: “Cẩm Mỹ có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững; là địa phương duy nhất của Đồng Nai có khu nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương cũng đi đầu trong thực hiện dự án cánh đồng mẫu lớn với 8 dự án đã được triển khai, chiếm 1/3 tổng dự án cánh đồng lớn của cả tỉnh”.
* Nông thôn mới trên vùng khó khăn
Huyện vùng sâu Cẩm Mỹ đã có nhiều bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là các tiêu chí về tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân. Giá trị sản phẩm trên 1 hécta diện tích đất trồng trọt đến năm 2017 đạt gần 131 triệu đồng/hécta. Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả cao với tỷ lệ hộ nghèo từ 15,78% đầu năm 2011 xuống còn 0,4% cuối năm 2017 và hiện chỉ còn 0,25%.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương tập trung tìm lời giải là phải làm ra nông sản sạch và sản phẩm người tiêu dùng đang cần. Huyện luôn khuyến khích nông dân đưa máy móc, khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất theo chuỗi liên kết đạt chuẩn an toàn. Cẩm Mỹ nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư chế biến nông sản, trong đó những dự án cánh đồng lớn là vùng nguyên liệu sạch, ổn định cho ngành chế biến. |
Để vùng đất khó “chuyển mình”, nông dân Cẩm Mỹ đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để hình thành các vùng chuyên canh, gồm: 1.400 hécta tiêu, 500 hécta cà phê, 200 hécta sầu riêng, 160 hécta bơ, 640 hécta rau các loại... Đối với cây hàng năm, địa phương cũng vận động nông dân đầu tư chuyên canh, tăng vụ... Từ đó, giá trị sản xuất của nhiều vùng đạt từ 200-350 triệu đồng/hécta/năm.
Vai trò của kinh tế tập thể đã được địa phương phát huy tốt. Tiêu biểu như Hợp tác xã Đông Tây (xã Xuân Tây) là cầu nối cho hơn 300 hộ nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn trồng bắp cây làm thức ăn cung cấp cho các trang trại nuôi bò Úc. Hợp tác xã cũng có nhiều đơn hàng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi bò đi các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Tham gia hợp tác xã, nông dân không chỉ được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định mà còn đạt lợi nhuận gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trồng bắp hạt truyền thống.
Không ít hợp tác xã đã năng động tìm kiếm cơ hội tại thị trường xuất khẩu. Bà Bùi Thị Thu Trân, Phó giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ), chia sẻ: “Hợp tác xã đang triển khai dự án trồng chuối già cấy mô Nam Mỹ phục vụ xuất khẩu với diện tích 100 hécta. Chúng tôi đang đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói, tạo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Ước tính vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng”.
Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San thì đã trực tiếp xuất khẩu tiêu vào thị trường châu Âu. Nhờ đó, hợp tác xã thu mua tiêu cho nông dân với giá cao hơn từ 9-12 triệu đồng/tấn so với mặt bằng giá chung ngoài thị trường. Trong 3 năm hoạt động, đơn vị đã hỗ trợ nông dân 50% chi phí để kiểm nghiệm trên 300 mẫu tiêu (tương đương 150 triệu đồng) và mua hơn 700 tấn tiêu cho nông dân xã Lâm San. Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San: “Dự án cánh đồng lớn cây tiêu đã thu hút trên 1 ngàn hộ nông dân tại các xã: Lâm San, Sông Ray và Xuân Đông tham gia với diện tích 1.250 hécta. Hợp tác xã luôn chú trọng vận động, hướng dẫn xã viên và nông dân sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước châu Âu...”.
* Bền vững, hiện đại
Năm 2017, Lâm San là xã đầu tiên của huyện Cẩm Mỹ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao với thu nhập bình quân đầu người thuộc tốp đầu cả tỉnh là 59,7 triệu đồng/người/năm. Sự lột xác của xã nông thôn mới nâng cao này càng rõ nét khi so với 10 năm trước đó, đây là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện.
Trang trại nuôi bò úc của Công ty TNHH Sơn Thủy Hà liên kết, bao tiêu nông sản trong dự án cánh đồng lớn trồng bắp. Ảnh: B.NGuyên |
Lâm San vươn lên dẫn đầu nhờ sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất từ cây hàng năm, cây trồng tạp sang trồng tiêu. Và khi cây trồng chủ lực này đối mặt với cơn khủng hoảng thừa thì nông dân Lâm San lại tiếp tục mạnh dạn chuyển sang hướng sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học - công nghệ để cây tiêu phát triển bền vững.
6 năm qua, Cẩm Mỹ đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới gần 24,3 ngàn tỷ đồng; trong đó, người dân đóng góp trên 11 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 46%. Theo ông Lê Cường, nông dân tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới: “Nhờ sự chung tay của cả cộng đồng mà đến nay ấp 8, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) đã đổ bê tông và cứng hóa được 15km đường giao thông với tổng số tiền đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Trong đó, người dân góp 2,7 tỷ đồng”. Bản thân gia đình ông Cường đã hiến trên 630m2 đất; đóng 55 triệu đồng và nhiều lần tự bỏ tiền thuê xe ô tô, máy múc để tham gia vận chuyển, san lấp mặt bằng đường giao thông hư hỏng. |
Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân tiên phong trồng tiêu đạt chuẩn GlobalGAP và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel tại xã Lâm San, chia sẻ: “Hệ thống tưới nhỏ giọt được tôi lập trình tự động, có thể tắt, mở từ xa. Nhờ ứng dụng công nghệ mới này, mỗi hécta tiêu tăng năng suất lên hơn 1 tấn trong khi chi phí đầu vào lại giảm”.
Chính hiệu quả trên đã là lời thuyết phục hữu hiệu nhất để nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Vì khi thị trường hồ tiêu gặp khó khăn, việc giảm giá thành và tạo ra sản phẩm an toàn xuất khẩu được vào các thị trường khó tính chính là lợi thế cạnh tranh.
Để cây tiêu phát triển bền vững, nông dân Cẩm Mỹ đang chuyển dịch theo hướng trồng tiêu an toàn. Hiện toàn huyện có hơn 10 hécta tiêu được cấp chứng nhận GlobalGAP.
Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, so sánh: “Khi giá tiêu xuống thấp càng thấy hiệu quả của mô hình trồng tiêu sạch. Vì dù tiêu rớt giá nhưng các doanh nghiệp vẫn đổ về địa phương tìm mua tiêu sạch với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường khoảng 10 ngàn đồng/kg. Vì thế, nông dân Cẩm Mỹ hầu như không ai chặt bỏ cây tiêu mà đang tập trung chuyển sang trồng tiêu theo hướng hữu cơ, tham gia dự án cánh đồng lớn để có đầu ra bền vững”.
Toàn huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng được gần 488km đường giao thông nông thôn với vốn đầu tư trên 778 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường huyện và đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê tông hóa; đường trục ấp và đường ngõ xóm đều được cứng hóa, bê tông hóa. Điện lưới quốc gia đã phủ khắp các khu dân cư, khu sản xuất tập trung. Toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 33 trường học, với tổng kinh phí gần 448 tỷ đồng, trong đó có 33/62 trường đạt chuẩn quốc gia. |
Bình Nguyên