Kinh tế

Đồng hành với nông dân

Ngày 5 và 6-4, Hội Nông dân huyện Trảng Bom tiến hành đại hội điểm của tỉnh. Theo bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong nhiệm kỳ 2012-2018, Hội Nông dân huyện Trảng Bom là đơn vị xuất sắc 5 năm liền; năm 2013 và năm 2016 là đơn vị dẫn đầu, được Hội Nông dân tỉnh tặng cờ thi đua.

17 Hội cơ sở của huyện đạt vững mạnh, trong đó 9 Hội cơ sở đạt vững mạnh xuất sắc nhiều năm liền.

Ông Phan Văn Dẫu (hàng đầu, giữa), chủ Trang trại bưởi da xanh Quỳnh Như (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom), đã phát triển 1 mô hình điểm sản xuất giỏi được Đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương đến tham quan.
Ông Phan Văn Dẫu (hàng đầu, giữa), chủ Trang trại bưởi da xanh Quỳnh Như (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom), đã phát triển 1 mô hình điểm sản xuất giỏi được Đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương đến tham quan.

5 năm qua, Hội Nông dân huyện Trảng Bom đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất đem lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên, nông dân để họ gắn bó với tổ chức Hội.

* Giúp nhau làm giàu

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là Hội đã tạo được sức lan tỏa trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi. Tại hội nghị Nông dân điển hình tiên tiến tổ chức vào năm 2015, toàn huyện Trảng Bom có 1.860 đại biểu nông dân điển hình tiên tiến xuất sắc 5 năm được tuyên dương khen thưởng. Đặc biệt có 1 hộ nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, 1 hộ đạt danh hiệu Trang trại vàng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom, trong nhiệm kỳ qua Hội đã kết nạp được hơn 4,8 ngàn hội viên, đạt 109% kế hoạch, nâng tổng số hội viên trong toàn huyện đến cuối năm 2017 gần 13,3 ngàn người. Tỷ lệ tập hợp hội viên gần 78% so với lao động nông nghiệp. Từ sự kết nối của Hội, nông dân đã vay được 1.220 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn để đầu tư vào sản xuất.

Phong trào thi đua sản xuất cũng đã khuyến khích nông dân cùng giúp nhau làm giàu. Hội đã vận động giúp đỡ hơn 1,9 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo về giống cây trồng, vật nuôi, cho vay tiền không lãi, cho mượn đất sản xuất, hợp đồng bán phân bón trả chậm trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã vươn lên có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống. Điển hình là lão nông Phan Văn Dẫu, chủ Trang trại bưởi da xanh Quỳnh Như (xã Trung Hòa). Ông cho hay: “Nhờ chịu khó học hỏi đưa giống bưởi da xanh vào trồng cho năng suất, chất lượng cao mà tôi đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Ngoài trồng bưởi, tôi còn đầu tư nhà nuôi chim yến nhằm tăng thêm thu nhập. Lợi nhuận tôi thu về mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng”. Vươn lên từ nghèo khó nên ông luôn hết lòng giúp đỡ kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong ấp có cuộc sống khấm khá hơn. Bên cạnh đó, ông còn đóng góp xây nhà tình thương, hỗ trợ cây giống cho hộ nghèo, góp tiền cho phong trào xây dựng nông thôn mới. 

* Góp sức xây dựng nông thôn mới

Trảng Bom trở thành huyện nông thôn mới trong đó có sự đóng góp rất lớn từ Hội Nông dân huyện, xã và sự nỗ lực của từng hội viên. Từ sự nhạy bén, năng động của nông dân, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến dài. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 13 vùng sản xuất cây trồng tập trung và 11 vùng khuyến khích chăn nuôi. Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: dự án cánh đồng lớn cây điều tại xã An Viễn; mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao tại xã Sông Thao; sản xuất thanh long ruột đỏ GlobalGAP... Từ đó, hiệu quả sản xuất trên diện tích đất tăng cao, năm 2017 đạt 111 triệu đồng/hécta/năm, tăng 40 triệu đồng/hécta/năm so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52,5 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Thanh Lập, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ca cao Trung Hòa, chia sẻ: “Tổ hợp tác hiện có khoảng 40 hécta ca cao xen canh cây điều đang cho thu hoạch. Nhờ trồng xen canh nên dù cây điều mất mùa, các tổ viên chúng tôi vẫn có thu nhập tốt nhờ bán trái ca cao. Tổ hợp tác đã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp với giá thu mua cao nên nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ca cao theo quy trình an toàn, đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính”.

Cuộc sống ngày càng khá giả nên nông dân cũng tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh, cho biết: “Con đường nhựa khang trang dẫn vào xã này do nông dân hiến đất, hiến công mà thành. Nông dân ngày càng tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để có đầu ra bền vững. Hiện tổ hợp tác không chỉ thu mua thanh long của các tổ viên mà còn mở rộng thu mua nhiều nơi của tỉnh Đồng Nai cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường”. 

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, 78 hộ nông dân của Trảng Bom đã hiến hơn 152 ngàn m2 đất, 7.584 ngày công lao động để sửa chữa, làm mới 72 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 74km; 4 công trình điện với tổng số tiền gần 32 tỷ đồng.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,150,619       345