Theo khảo sát ở TP.Biên Hòa, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn đều bày bán các loại đường có nguồn gốc trong nước, được đóng gói bao bì và có nhãn mác rõ ràng.
Người tiêu dùng chọn mua đường trong nước được đóng gói bao bì rõ ràng tại Co.op Mart Biên Hòa. |
Ở các chợ, các điểm bán lẻ, đường trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường nhập khẩu. Trong đó có một số loại không nhãn mác với giá thành rẻ hơn khá nhiều.
* Chiếm ưu thế trên kệ hàng siêu thị
Từ tháng 1-2018, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đường là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch, đồng thời mức thuế chỉ còn 5%. Điều này càng khiến cho các loại đường nội địa có nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà” nếu như bài toán về giá thành cũng như việc đảm bảo chất lượng, năng suất đường không tìm ra lời giải phù hợp.
Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn như: BigC, Co.op Mart, Lotte Mart bày bán các loại đường tinh luyện từ thông dụng, bình dân đến các loại đường cao cấp, hầu hết đều của các nhà sản xuất của Việt Nam như: Công ty cổ phần mía đường La Ngà, Công ty cổ phần đường Biên Hòa... Ngoài ra, có một số ít các loại đường ăn kiêng có ghi xuất xứ trên bao bì nhập khẩu từ Thái Lan, Áo, Australia..., tuy nhiên tỷ lệ các loại đường nhập khẩu này khá ít.
Ông Trang Phúc, Trưởng phòng Marketing của Co.op Mart Biên Hòa, cho biết siêu thị đang bày bán 100% các loại đường có nguồn gốc xuất xứ của các nhà sản xuất trong nước.
Bà Phạm Thị Hồng Xuân (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Từ trước tới nay, gia đình tôi vẫn quen dùng các loại đường của Công ty cổ phần đường Biên Hòa. Dù giá thành có cao hơn so với một số loại đường nhập khẩu nhưng tôi vẫn chọn mua vì có thương hiệu đã lâu, được đóng gói có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng”.
Tương tự, chị Lê Thùy Trang (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi ưu tiên sử dụng các loại đường trong nước được đóng gói bao bì, có nguồn gốc xuất xứ, chứ không dám mua các loại không có nhãn mác, thương hiệu”.
* Mất Dần thị phần ở các chợ
Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, những điểm bán lẻ, các loại đường trong nước bị lấn át bởi đường nhập khẩu, một số loại không có nhãn mác được bán theo từng bao... Bởi các loại đường này thường có giá rẻ hơn khá nhiều so với đường sản xuất trong nước.
Tại chợ Biên Hòa, dạo quanh một số cửa hàng tạp hóa, ngoài những mặt hàng đường trong nước còn có loại đường được người bán quảng bá là đường Thái Lan, trắng, mịn chẳng khác gì đường trong nước nhưng giá thì rẻ hơn. Về giá cả, đường được quảng cáo nhập từ Thái Lan có giá khá rẻ, chỉ 14 ngàn đồng/kg, trong khi đường Biên Hòa từ 20-22 ngàn đồng/kg.
Chị Ngọc Linh (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi thấy đường nào rẻ thì tôi chọn mua, cũng không quan tâm lắm tới nguồn gốc hay nhãn mác”.
Tương tự, tại chợ Sặt (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), theo ghi nhận, đường nhập từ Thái Lan hay loại đường được giới thiệu là của công ty nhưng phân ra loại 1, loại 2... được bày bàn khá nhiều. Đa phần loại đường này không có nhãn mác ghi xuất xứ, được các sạp hàng bán lẻ thành từng túi
ny-lông, cân theo nhu cầu của người mua và thường được các chủ sạp hàng giới thiệu cho người mua trước tiên. Giá bán của loại đường này là 15 ngàn đồng/kg.
Chủ sạp hàng T.D. ở chợ Sặt cho biết mặt hàng đường này có nguồn gốc từ công ty, nhưng khi được hỏi là nhập từ công ty nào thì người bán không giải thích. Trong khi đó, một chủ sạp khác gần đó cho hay đây là đường Thái Lan, giá rẻ hơn đường trong nước, do nguồn nhập hàng về giá rẻ hơn nên bán rẻ hơn, còn nguồn gốc thực sự thế nào cũng chưa rõ.
Các loại đường này bán khá chạy so với các loại đường trong nước có nhãn mác, bao bì rõ ràng. Hơn thế nữa, các loại đường trong nước thường được bố trí khá khuất trên các sạp hàng, thường người bán chỉ đưa ra khi có khách hỏi mua.
Hải Quân