Kinh tế

Xuất khẩu nhôm, thép: Lo mất hàng triệu USD

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đánh thuế mạnh với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai lo lắng. Vì Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn của DN sản xuất nhôm, thép của tỉnh.

Sản xuất sản phẩm nhôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).
Sản xuất sản phẩm nhôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nhôm, thép của DN Đồng Nai vào thị trường Mỹ mỗi năm khoảng 250 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 DN có giá trị xuất khẩu vào thị trường này khá lớn, với hơn 10 mặt hàng được làm từ thép và nhôm.

* Thiệt hại lớn

Trong sắc lệnh mới, thuế của thép khoảng 25% và nhôm là 10% (từ mức 0% như hiện tại). Mức thuế mới này khiến DN xuất khẩu mặt hàng nhôm, thép của Đồng Nai mất cả chục triệu USD/năm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm nay các DN trong nước đã xuất khẩu 728 ngàn tấn thép các loại, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam là: ASEAN chiếm 67% tổng sản lượng xuất khẩu, Mỹ chiếm gần 11,3%, châu Âu hơn 5%, Hàn Quốc hơn 3%. Tại Đồng Nai, xuất khẩu thép, nhôm vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm đạt khoảng 43 triệu USD.

Bà Hà Ngọc Trân (Phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Penflex Việt Nam tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) cho hay: “Khoảng 60% sản lượng hàng hóa làm từ thép của công ty xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhiều sản phẩm từ thép của công ty xuất khẩu vào thị trường này không phải nộp thuế, nếu nay áp thuế sẽ mất thêm một khoản lớn”. Tuy nhiên, theo bà Trân ngoài thị trường Mỹ thì công ty còn xuất khẩu vào châu Âu, châu Phi và một số nước khác. Nếu thuế của thị trường Mỹ quá cao, công ty sẽ tìm cách mở rộng xuất khẩu sang những nước khác. Hiện nay, công ty đã có kế hoạch mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong nước vì nhu cầu tại Việt Nam về mặt hàng này cũng rất lớn.

Tại Đồng Nai, dẫn đầu trong xuất khẩu mặt hàng thép vào Mỹ là Công ty TNHH Posco VST ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) với  trên 5 triệu USD/tháng, tiếp đến là Công ty TNHH Sam Hwan Vina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) với 600 ngàn USD/tháng. Ngoài ra, Mỹ còn là thị trường xuất khẩu lớn mặt hàng làm từ thép, nhôm của Công ty TNHH Kostell Vina, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Công ty TNHH Kuang Tai Việt Nam, Công ty Tôn Phương Nam... Đại diện của các DN có xuất khẩu nhôm, thép vào Mỹ bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam có những đàm phán để những mặt hàng trên xuất khẩu vào thị trường Mỹ không phải chịu mức thuế quá cao như sắc lệnh mới. Vì Tổng thống Mỹ vẫn để ngỏ khả năng những quốc gia bị áp thuế có thể yêu cầu được giảm trừ.

Ông Lại Thế Kiên, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần mạ kẽm công nghiệp Vingal ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), cho hay: “Sản phẩm của công ty sản xuất theo chuẩn của châu Âu nên hàng xuất được qua nhiều nước, không quá lệ thuộc vào thị trường nào. Do đó thị trường nào không phù hợp doanh nghiệp sẽ mở rộng ở những thị trường khác bù lại. Châu Âu đang là thị trường nhiều tiềm năng của công ty”. Nhưng mục tiêu chính của DN này vẫn là tìm đối tác mở rộng thị trường trong nước.

* Bỏ trống sân nhà

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhiều DN sản xuất nhôm, thép của Việt Nam đã đầu tư công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra xuất khẩu được vào được các thị trường khó tính. Lâu nay DN thường chỉ lo đến việc tìm thị trường xuất khẩu, có những công ty xuất khẩu chiếm đến 80-90% lượng hàng sản xuất ra. Với thị trường nội địa nhiều DN chưa quan tâm và còn bỏ trống khiến hàng Trung Quốc, Hàn Quốc... tràn vào chiếm lĩnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “DN không nên quá lo lắng khi Mỹ áp thuế mặt hàng nhôm, thép. Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều nước, thuế các mặt hàng đã và đang giảm về 0% trong đó có nhôm, thép. DN nên tìm hiểu những thị trường này để xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN cũng nên chú ý thị trường trong nước vì nhu cầu khá lớn, hàng năm các DN trong nước phải bỏ cả tỷ USD để nhập khẩu 2 mặt hàng trên”.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, lâu nay DN trong nước đang “bỏ quên” thị trường nội địa để cho nhôm, thép Trung Quốc và một số nước khác tràn vào. Gặp khó tại thị trường Mỹ, DN có thể tìm những thị trường khác có lợi thế hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm cách mở rộng tiêu thụ trong nước và không nên bỏ trống sân nhà.

Nhu cầu nội địa với mặt hàng nhôm, thép của Việt Nam khá lớn và đây là mặt hàng Việt Nam vẫn đang phải nhập siêu từ các nước. Riêng tháng 1-2018, Việt Nam chi 808 triệu USD để nhập khẩu 1,2 triệu tấn thép, trong khi xuất khẩu khoảng 446 ngàn tấn với kim ngạch 321 triệu USD. Điều này cho thấy thị trường trong nước vẫn đang bị bỏ quên, để thép ngoại chiếm lĩnh.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,000,082       313