Kinh tế

Tăng tốc cho nền kinh tế

Ngày 20-3, tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2018 kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước.

Nếu Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ, đồng thời nắm được những cơ hội đột phá thì có thể tạo ra mức tăng trưởng cao và phát triển kinh tế bền vững.

Doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam trên lĩnh vực sản xuất, chế biến không nhiều. Trong ảnh: Một doanh nghiệp nhỏ sản xuất gỗ xuất khẩu tại TP.Biên Hòa.
Doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam trên lĩnh vực sản xuất, chế biến không nhiều. Trong ảnh: Một doanh nghiệp nhỏ sản xuất gỗ xuất khẩu tại TP.Biên Hòa.

Theo Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu vẫn giữ mức tăng trưởng khá, môi trường đầu tư tiếp tục được các DN nước ngoài đánh giá cao. Đặc biệt là Việt Nam đã cùng với 10 nước ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

* Nhận diện các cơ hội

Việt Nam là quốc gia tham gia hội nhập quốc tế nhanh và rộng, do đó đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo trong nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chính phủ vẫn đang tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhằm tạo ra cơ hội cho xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Theo TS. Võ Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế trung ương, những giải pháp có thể tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN tư nhân phát triển là: đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân và đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, phát triển hạ tầng và hỗ trợ DN tư nhân đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực nâng cao năng suất.

Ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, nhấn mạnh: “Việt Nam đã ký 12 FTA thế hệ mới và đang đàm phán 4 hiệp định. Điều mà các DN trông đợi nhất là mới đây Việt Nam đã ký được CPTPP. Những nỗ lực trên đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh trong kỷ nguyên số của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam và nước ngoài tăng cường kết nối đầu tư, thương mại”.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2018 thị trường thế giới có nhiều tín hiệu tích cực vì những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã vượt qua những khó khăn. Giá dầu dự báo chỉ dao động ở mức 55-60 USD/thùng, giúp kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục ổn định.

“Năm 2018, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì mức khá tốt và ít chịu sức ép từ các thị trường. Tài chính, bất động sản, chứng khoán sẽ duy trì phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên DN phải xây dựng kế hoạch phát triển trung, dài hạn để có thể hưởng các lợi thế từ các FTA thế hệ mới” - TS. Vũ Viết Ngoạn, thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng nói.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, cho rằng năm 2018 lãi suất cho vay với các DN có khả năng vẫn duy trì như năm trước. Dự trữ ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng sẽ giúp cho tỷ giá ổn định, ít biến động và chống đỡ được những tác động xấu từ bên ngoài.

* DN nhỏ phải “lớn” lên

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG Việt Nam (chuyên cung cấp dịch vụ về kiểm toán, tư vấn tài chính và các chính sách kinh tế), nhận định: “Các DN Việt Nam mới tận dụng được hơn 30% cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Muốn khai thác tốt các lợi thế từ những FTA đòi hỏi DN đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này buộc các DN nhỏ phải “lớn” dần lên”.

Một cơ sở sản xuất mây tre lá xuất khẩu ở TP.Biên Hòa.
Một cơ sở sản xuất mây tre lá xuất khẩu ở TP.Biên Hòa.

Việt Nam đang có khoảng 700 ngàn DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhưng rất “chậm lớn” vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số yếu tố căn bản mà các DN nhỏ và siêu nhỏ đang cần để “lớn” lên là: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt, nền hành chính mang tính phục vụ. Đây là 3 nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho DN phát triển và hội nhập tốt chứ không phải các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.

Tại Đồng Nai, số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ hiện chiếm trên 80% và trong đó số DN nhỏ “lớn” lên được rất ít. TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho hay: “Trong 700 ngàn DN vừa và nhỏ thì có đến 70% quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là cấu trúc tổng thể khu vực kinh tế tư nhân đang mất cân đối vì có hơn 80% DN tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, năng suất và giá trị gia tăng thấp. Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến không nhiều”.

Theo TS.Võ Trí Thành, muốn DN tư nhân “lớn” được phải cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước nhanh để tạo sân chơi công bằng về khả năng tiếp cận vốn, đất đai, thông tin, cơ sở hạ tầng và lao động. Phía Nhà nước hỗ trợ lập các cụm liên kết ngành để DN tư nhân có vị trí kinh doanh thuận lợi tăng năng suất, thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,975,084       1,187