Kinh tế

Sân nhà liệu có dễ "chơi"?

Đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những thông điệp rõ ràng về việc sẽ áp thuế nhập khẩu cao lên đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, và ai cũng thấy rõ đây là biện pháp cứng rắn nhằm bảo hộ các ngành sản xuất nội địa của Mỹ.

Và ngay ngày 1-3, ông Trump chứng minh mình không “nói chơi” khi cùng người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố về quyết định sẽ áp thuế thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ lên mức 25% và 10% so với mức thuế hiện hành. Mức thuế này dự kiến áp dụng với 12 quốc gia có những hàng hóa trên nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, mức thuế mà thép và nhôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này là 0% (nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn).

Ngay sau tuyên bố này, Hiệp hội Thép Việt Nam đã báo cáo lên Bộ Công thương và chia sẻ có thể cân nhắc khả năng kiện Mỹ ra WTO (Tổ chức Thương mại thế giới). Song đánh giá về khả năng thắng kiện, nhiều chuyên gia cho là khá mong manh bởi tỷ lệ phần trăm thép và tôn Việt Nam vào thị trường Mỹ khá thấp, tính đại diện không cao và bản thân Mỹ khi đưa ra thông báo này đã cân nhắc kỹ để không bị gánh nặng pháp lý khi áp dụng thực tế thuế suất mới.

Từ thông tin mới này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh động các doanh nghiệp về một con đường lâu dài hơn, đó là phát triển thị trường nội địa hoặc những thị trường lân cận như Đông Nam Á chẳng hạn, bởi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu sẽ đi kèm với những khó khăn khá lớn khi các nước này quyết định tăng các biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ doanh nghiệp sản xuất của chính mình. Tôm, cá basa, linh kiện điện tử, hàng may mặc... cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã từng phải đối diện với nhiều biện pháp bảo hộ của các nước nói trên.

Sòng phẳng mà nói, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh trong nhiều năm qua, cán mức 400 tỷ USD vào năm 2017 và đem lại rất nhiều lợi ích cho kinh tế. Song điều đó cũng đặt ra nhiều nỗi lo khi ở thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp lại không chú tâm phát triển. Đơn cử với ngành thép, thị trường thép nội địa vẫn đang là sân chơi của thép Trung Quốc, với ngành giấy thì thị phần lớn cũng thuộc về Trung Quốc. Điều này tương tự với ngành vải (Hàn Quốc, Trung Quốc...), đường (Thái Lan, Trung Quốc...) và nhiều ngành hàng khác.

Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết phát triển thị trường nội địa thực ra không dễ như nhiều người tưởng. Chi tiêu cho hệ thống phân phối, chi phí bán hàng và tiếp thị là một chuyện, song một thị trường chuộng hàng giá rẻ, trong khi khả năng giảm giá thành và cạnh tranh bằng giá bán thấp của doanh nghiệp trong nước đòi hỏi cả một nỗ lực vô cùng lớn trong nhiều năm. Một khi chưa giải được bài toán cạnh tranh về giá thì con đường chiếm lĩnh thị phần ở thị trường trong nước cũng còn nhiều chông gai. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chịu đầu tư đường dài cho thị trường trong nước, song vẫn chưa thể cạnh tranh sát sao với hàng nhập khẩu giá rẻ đến từ nhiều nước. Vậy nên, con đường chinh phục người tiêu dùng nội địa vẫn còn lắm gian nan.

Vi Lâm

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,989,302       711