Sau 70 năm chiến thắng La Ngà, 43 năm giải phóng và 27 năm thành lập huyện mới, Định Quán ngày càng "thay da đổi thịt". Kinh tế địa phương có những bước chuyển mình đáng ghi nhận,...
Sau 70 năm chiến thắng La Ngà, 43 năm giải phóng và 27 năm thành lập huyện mới, Định Quán ngày càng “thay da đổi thịt”. Kinh tế địa phương có những bước chuyển mình đáng ghi nhận, đời sống nhân dân được nâng cao bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân qua các thời kỳ.
Xã Ngọc Định, huyện Định Quán vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. |
Tính đến nay, huyện Định Quán đã có 12/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2018.
* “Thay da đổi thịt”
Quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện được thực hiện với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành chuyên môn và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện, đến nay bộ mặt huyện đã có nhiều thay đổi tích cực.
Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết huyện sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục phát triển kinh tế bền vững. Trước mắt là mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2018. Theo đó, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển hệ thống phục vụ sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cũng như xây dựng những mô hình cánh đồng lớn theo hướng hiện đại, có hiệu quả cao… Huyện sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các địa điểm du lịch cũng như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, lưới điện…; tăng cường giải pháp thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp; góp phần giúp người dân có công ăn việc làm ổn định, tăng mức thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời gian tới. |
Theo UBND huyện Định Quán, hiện có gần 232km đường trục chính do huyện quản lý đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt tỷ lệ 100%. Các tuyến đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa tăng hơn 90% so với năm 2010. Các loại đường ấp, ngõ, xóm, đường trục nội đồng… cũng được quan tâm, đầu tư xây dựng, trùng tu, nâng cấp… theo tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Riêng trong năm 2017, trên địa bàn huyện đã triển khai xây dựng, nâng cấp hơn 161km đường giao thông nông thôn các loại; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 14 trường học, 19 nhà văn hóa ấp, 13 trung tâm văn hóa thể thao xã và 1 chợ.
“Qua quá trình xây dựng nông thôn mới, tôi thấy bộ mặt của địa phương có nhiều đổi thay, nhất là về các công trình điện, đường, trường học ngày càng sạch sẽ, văn minh và khang trang hơn trước đây. Hy vọng huyện tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng, các tuyến đường giao thông hơn nữa trong thời gian tới” - chị Nguyễn Thị Chín (ngụ xã Phú Ngọc) chia sẻ.
Trong những năm qua, đời sống của nhân dân trong huyện ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới của huyện Định Quán trong năm 2017 giảm còn 1,36%, giảm hơn 12 lần so với năm 2010.
Thu nhập bình quân đầu người của người dân Định Quán cũng tăng theo các năm. Đơn cử, theo UBND xã Ngọc Định - xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2012 của xã chỉ đạt 23,5 triệu đồng/người/năm. Theo kết quả điều tra mới nhất, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt hơn 42,5 triệu đồng/người/năm.
* Phát huy thế mạnh
Về kinh tế, từ một huyện miền núi thuần nông, đến nay Định Quán là huyện có cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng, chủ động phát huy các thế mạnh, tiềm năng của địa phương.
Mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho gia đình anh Phạm Bá Tư (xã Suối Nho, huyện Định Quán). |
Theo Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện là: xoài, điều, cà phê... Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển các loại cây này theo hướng hiện đại, cải thiện giống, tăng năng suất. Bên cạnh đó, huyện sẽ phát triển thêm các loại cây có múi và một số loại cây trồng khác phù hợp với điều kiện địa phương, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao…
Ông Trần Quang Đương (xã Túc Trưng) cho biết: “Tôi đã chuyển đổi 2,5 hécta diện tích trồng chôm chôm, điều kém năng suất sang trồng bưởi da xanh được vài năm nay. Mỗi năm vườn bưởi nhà tôi thu về từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trước đây”.
Vườn bưởi da xanh của ông Trần Quang Đương ( xã Túc Trưng, huyện Định Quán). |
Tương tự, anh Phạm Bá Tư (xã Suối Nho) cũng chia sẻ: “Gia đình tôi đã chuyển toàn bộ khu đất trồng tiêu già cỗi trước đây sang trồng các loại nấm mèo, nấm sò… Hiệu quả kinh tế tăng lên so với trước đây. Tùy thuộc vào giá nấm, 6 trại nấm của gia đình cho thu nhập trung bình vào khoảng 600 triệu đồng/năm”.
Bên cạnh đó, Định Quán cũng chú trọng phát triển những vùng chuyên canh, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hiện tại, huyện đã xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu trên cây mía và cây ca cao.
Ông Trịnh Phú Cường, Phó chủ tịch UBND xã Suối Nho, cho biết ngoài các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống, mô hình trồng hẹ, bồ ngót trên địa bàn xã ngày càng được nhân rộng, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 80 hécta trồng hẹ, mỗi năm cho thu nhập bình quân khoảng 600 triệu đồng/hécta.
Ngoài ra, các khu du lịch ở Định Quán, như: Thác Mai, Thác Ba Giọt... cũng ngày càng nâng cao chất lượng, đa dạng loại hình dịch vụ và được huyện đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, quy hoạch tuyến du lịch thế mạnh, có tính kết nối cao…
Hải Quân