Ngày 30-1-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại Đồng Nai, có hiệu lực từ ngày 1-3-2018. Quyết định mới nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch chung.
Phòng một cửa của TP.Biên Hòa là một trong những nơi sẽ tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa đất. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, Quyết định số 25 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh có hiệu lực từ ngày 30-4-2016 đã bộc lộ một số hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương. Do đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì dự thảo nội dung điều chỉnh bổ sung Quyết định số 25, từ đó Quyết định 03 được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế.
* Những điểm mới trong tách thửa
Quyết định 03 đảm bảo các quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật, nhưng hạn chế hình thành các khu dân cư không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; ngăn ngừa các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng quy định tách thửa phân lô bán nền tràn lan để thu lợi.
Thửa đất thuộc các phường, xã TP.Biên Hòa, các phường TX.Long Khánh, các thị trấn vị trí tiếp giáp với đường phố có lộ giới từ 20m trở lên thửa đất được tách có chiều rộng 5m. Đường nhỏ hơn 20m chiều rộng thửa đất nhỏ nhất là 4m. Thửa đất ở các xã còn lại khi tách thửa chiều rộng nhỏ nhất 4,5m. |
Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Hải Bằng nhận định. Quyết định 03 lần này quy định rõ ràng các trường hợp được tách thửa, diện tích tối thiểu để tách thửa với tất cả các loại đất. “Điểm mới là các hồ sơ xin tách thửa qua UBND huyện, Phòng Tài nguyên - môi trường thẩm định, nếu phù hợp với quy hoạch mới cho phép tách thửa. Điều này sẽ ngăn chặn được việc xin tách thửa ồ ạt ở những khu vực giáp với TP.Biên Hòa” - ông Bằng nói.
Diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở đô thị 60m2, các thị trấn, phường thuộc TX.Long Khánh diện tích tối thiểu tách thửa là 80m2, các phường xã còn lại là 100m2. Quyết định 03 cũng nêu rõ những trường hợp không được tách thửa là những dự án đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (thỏa thuận địa điểm, giới thiệu địa điểm, chấp thuận đầu tư) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai, hoặc có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án. Thửa đất thuộc khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, phê duyệt theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Điểm mới khác là đất ở đô thị tách thửa phân ra dưới 500m2, từ 500m2 đến 2 ngàn m2 và trên 2 ngàn m2 phải đảm bảo các yêu cầu đã quy định. Còn đất nông nghiệp ở các phường, xã Hóa An, Tân Hạnh, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), các phường thuộc TX.Long Khánh, các thị trấn thuộc huyện diện tích tối thiểu tách thửa đất là 500m2. Những xã còn lại diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 1 ngàn m2”.
* Cần kiểm soát chặt
Tới đây khi quy định mới có hiệu lực, việc tách thửa sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện xem xét phê duyệt. Như vậy sẽ tránh được việc xin tách thửa tràn lan dẫn đến xây dựng nhà ở trái phép, hình thành những khu dân cư tạm bợ, nhếch nhác. Các địa phương cũng dễ dàng hơn trong công tác quản lý đất đai, đảm bảo quy hoạch về sử dụng đất.
Đất ở đô thị có diện tích nhỏ hơn 500m2, tiếp giáp với đường giao thông, hiện trạng hạ tầng giao thông đã được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách thửa. Trường hợp thửa đất muốn tách thửa không tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, sau đó thực hiện tách thửa. Thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2 ngàn m2 trước khi tách thửa phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thửa đất có diện tích trên 2 ngàn m2 phải lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định. |
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa, cho hay: “Thẩm quyền tách thửa được giao cho UBND cấp huyện nên thời gian đầu lượng công việc sẽ rất nhiều. Vì khi nhận được hồ sơ xin tách thửa, các phòng chuyên môn phải kiểm tra lại đất có đúng với quy hoạch hay không rồi mới tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt. Thời gian tách thửa sẽ bị kéo dài hơn do mất thời gian thẩm định đất”. Tuy nhiên theo ông Tuấn, việc giao cho cấp huyện thẩm định tách thửa đất sẽ quản lý được chặt hơn, hạn chế việc xin tách thửa tràn lan như trước đây.
TP.Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu là những khu vực đang “nóng” và nhiều người đang rất mong chờ tỉnh ban hành quyết định về tách thửa. Những địa bàn trên cũng là khu vực vài năm lại đây xảy ra tình trạng tách thửa ồ ạt, hình thành những khu dân cư tự phát xập xệ. “Quy định mới siết rất chặt nên những cá nhân mua đất nông nghiệp sau đó chuyển mục đích sang thổ cư để tách thửa bán kiếm lời sẽ khó thực hiện được. Do những trường hợp tách thửa đều được UBND cấp huyện xem xét phù hợp mới phê duyệt cho tách thửa” - ông Huỳnh Thế Lữ, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh huyện Long Thành, chia sẻ.
Những trường hợp tự ý tách thửa sau ngày 29-8-2008 không đúng quy định của UBND tỉnh sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những tổ chức hành nghề công chứng, UBND cấp xã không được thực hiện công chứng, chứng thực việc chuyển nhượng, cho tặng, góp vốn quyền sử dụng đất đối với trường hợp tách thửa không tuân theo quy định.
Hương Giang