Xây dựng hàng rào điện ngăn cách môi trường sống của voi với khu dân cư là một trong những nội dung quan trọng của dự án khẩn cấp bảo tồn voi Đồng Nai giai đoạn 2014-2020...
Tính đến nay, dự án khẩn cấp bảo tồn voi Đồng Nai giai đoạn 2014-2020 đã thực hiện khoảng 2/3 lộ trình.
Các nhà khoa học, chuyên gia đến khảo sát tình hình thực hiện một số hạng mục của dự án tại Trạm Kiểm lâm Suối Kốp (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) vào cuối tháng 1-2018. |
Đề án đã hoàn thành các nội dung: điều tra, đánh giá số lượng, cơ cấu đàn voi, phân bố, hành lang di chuyển và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn voi; điều tra sinh cảnh và thành phần loài thức ăn của voi; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng phòng chống xung đột voi - người; có các biện pháp phòng tránh xung đột giữa người và voi…
* Hàng rào điện phát huy hiệu quả
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, qua điều tra đã xác định được hiện nay đàn voi ở Đồng Nai có ít nhất 16 cá thể, gồm: 14 cá thể voi thuộc 1 đàn, chia thành 2 nhóm lớn và 2 con voi ngà lệch. Đàn voi phân bố khá rộng, có thể di chuyển khoảng 20-30km/ngày trong diện tích hơn 42,6 ngàn hécta thuộc của Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Công ty TNHH một thành viên Lâm trường La Ngà.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chia sẻ, dự án cần tiếp tục duy trì tổ phản ứng nhanh về phòng tránh xung đột giữa người và voi rừng, các hoạt động chống cận huyết, tạo sinh cảnh cho voi rừng sinh sống. Hơn thế nữa, Ban quản lý dự án cũng cần nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn voi. |
Xây dựng hàng rào điện ngăn cách môi trường sống của voi với khu dân cư là một trong những nội dung quan trọng của dự án. Hiện nay hàng rào đã được xây dựng với chiều dài 50km đi qua địa bàn 2 huyện Vĩnh Cửu và Định Quán.
Hàng rào có độ cao 2,2m, được xây dựng bằng các cột bê tông, trên gắn 4 sợi dây cáp dẫn điện kéo căng tạo thành hàng rào ngăn chặn voi vượt qua. Toàn bộ hàng rào có 26 cổng chính và hơn trăm cổng phụ giúp người dân ra vào nương rẫy canh tác và thu hoạch mùa màng. Hàng rào này có tác dụng ngăn voi không đi vào khu vực sinh sống và canh tác của người dân nhưng không gây nguy hiểm với người và voi.
Toàn tuyến có 10 trạm phát xung điện với dòng diện khoảng 6kV, đủ để hàng rào điện hoạt động, bình quân 5km/trạm. Bên cạnh đó, tuyến đường song song với hàng rào điện dài 15,8km cũng đã được xây dựng.
Ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết từ khi đưa vào sử dụng, việc voi xuất hiện tấn công, phá hoại hoa màu của người dân đã giảm rõ rệt.
Do không thể đi qua được hàng rào điện nên voi đi men theo đến những nơi chưa có hàng rào để tiếp tục ra phá hoại hoa màu. Một số trường hợp đã xảy ra xung đột giữa voi và người dân.
Theo bà Điểu Thị Lan (ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) từ khi hàng rào điện hoạt động, ở những nơi có hàng rào người dân đã không còn bị quấy phá. Nhưng từ tổ 5 đến tổ 7 dài khoảng 20km thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn hiện chưa có hàng rào, voi vẫn thường vào phá hoại rau màu.
“Có nhiều người dân biết cách đuổi voi, dùng đèn pha và âm thanh thì voi bỏ đi. Nhưng có những người không biết cách đuổi, manh động sẽ gây ra xung đột với voi” - bà Điểu Thị Lan nhấn mạnh.
Một đoạn hàng rào điện ngăn voi rừng ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. |
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp đã thống nhất việc xây dựng bổ sung khoảng 20km hàng rào điện, đoạn phía Bắc từ đường 323 đến giáp sông Đồng Nai, phía Nam từ điểm cuối hàng rào tổ 5, ấp 5, xã Thanh Sơn đến điểm cuối tổ 7, ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) trên cơ sở phải có đánh giá và phương án cụ thể, có hiệu quả.
* Nâng cao hoạt động tuyên truyền
Ông Cao Chí Công, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết Ban quản lý dự án cần tiếp tục có biện pháp ngăn chặn kịp thời các xung đột giữa người và voi; có kế hoạch vận hành, bảo dưỡng hàng rào điện có hiệu quả; bổ sung thêm hoạt động điều tra sinh cảnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông và có thêm nhiều biện pháp căn cơ để phòng tránh xung đột giữa người và voi trong giai đoạn tiếp theo.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo tồn thiên nhiên và môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, chia sẻ qua giai đoạn đầu của dự án, tình trạng xung đột giữa người và voi đã giảm rõ rệt. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo tồn voi và là thành công của dự án. Nhưng để hạn chế tối đa những xung đột giữa người và voi, trong thời gian tới dự án cần hướng tới đẩy mạnh giáo dục văn hóa yêu thương động vật cho người dân, nêu cao vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ voi rừng.
Tương tự, PGS.TS Đồng Thanh Hải (Trường đại học lâm nghiệp), người có nhiều năm theo dõi, nghiên cứu các đề án bảo vệ voi rừng trên cả nước, cho rằng về lâu dài cần chú trọng việc phục hồi sinh cảnh, tạo ra có hố nước, đảm bảo các nguồn thức ăn trong khu vực voi sinh sống và cần có sự ủng hộ, đồng lòng từ phía người dân trong việc bảo vệ voi rừng.
Hải Quân