Theo các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, năm nay lượng hàng đầu năm khá dồi dào, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng đến tận giữa năm. Những năm qua ngành hàng này luôn phải "ăn đong" nhưng đầu năm nay tín hiệu khá tích cực.
Theo các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, năm nay lượng hàng đầu năm khá dồi dào, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng đến tận giữa năm. Những năm qua ngành hàng này luôn phải “ăn đong” nhưng đầu năm nay tín hiệu khá tích cực.
Sản xuất đèn bằng tre đan tại Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom). |
Theo nhận định của giới chuyên môn, năm 2018 ngành hàng thủ công mỹ nghệ sẽ có nhiều thuận lợi nhờ hưởng thuế ưu đãi ở một số thị trường.
* Tăng sản xuất
Bà Trần Thị Thêu, một người chuyên tổ chức nhận hàng cho nhiều người dân trong phường đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng lục bình để xuất khẩu tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa), cho biết từ cuối năm 2016 đến nay doanh nghiệp sản xuất luôn hối giao hàng, tình trạng này ít khi gặp ở những năm trước. “Khi nhận hàng về làm họ luôn nhắc là đan khẩn trương cho kịp hàng xuất, trước đây ít khi thấy nhắc đến giao hàng mà chỉ nhắc về kiểm soát đan bị lỗi” - bà Thêu nói.
Ông Nguyễn Ðức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai, Trảng Bom) chuyên làm đèn trang trí bằng vật liệu thủ công mỹ nghệ, cũng cho hay năm nay lượng hàng của doanh nghiệp tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2016. Hiện tại công ty ông Hải đã ký hợp đồng sản xuất đến tháng 6. Ông Hải chia sẻ: “Công ty đang tuyển thêm công nhân sản xuất để sau Tết Nguyên đán 2018 tập trung làm hàng cho kịp tiến độ giao cho khách”. Sở dĩ doanh nghiệp của ông Hải có đơn hàng khá dồi dào ngay từ đầu năm do ông mở thêm được một số thị trường mới như: Pháp, Bỉ, Trung Đông, Nam Mỹ. Ở Công ty TNHH một thành viên Bùi Chấn Hưng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất chậu hoa bằng gỗ xuất khẩu, bước sang năm 2018 tình hình đơn hàng cũng khá thuận lợi. Ông Bùi Quang Hội, Giám đốc công ty, cho biết hàng xuất sang thị trường châu Âu năm nay khá thuận lợi.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, triển vọng phát triển ngành thủ công mỹ nghệ tại thị trường châu Âu được dự báo tăng trưởng tốt nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
* Đổi chiều cạnh tranh
Những năm trước đây ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam luôn phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc trên các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2017 khách hàng lại đổ dồn sang nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nguyên nhân của việc hàng Trung Quốc đang mất đi lợi thế cạnh tranh do nước này không còn khuyến khích như trước đây. Bên cạnh đó những nguồn nguyên liệu mây, tre, cói, lục bình không phải là lợi thế của Trung Quốc nên giá thành sản phẩm tăng khá cao.
Cũng theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện tại cạnh tranh trong sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam lại là một số nước mới nổi ở Đông Nam Á như: Thái Lan, Philippines, Indonesia... Lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2017 của các quốc gia này tăng gần 15%.
Trong số thị trường xuất khẩu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay thị trường Mỹ vẫn cao nhất, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch, tiếp theo là thị trường Nhật Bản và Đức. Đánh giá của giới chuyên môn, ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam chưa tạo ra được dấu ấn lớn mang tính vượt trội so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân được xác định là ít đầu tư cho khâu thiết kế và ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Vân Nam