Nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên qua tuổi 60, lão nông Nguyễn Thanh Bình ở xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) vẫn tự mình chăm sóc được vườn sầu riêng rộng 2 hécta. Vườn của ông cũng nổi tiếng xa gần về chất lượng ngon, năng suất tốt.
Ông Nguyễn Thanh Bình (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) giới thiệu những trái cây đặc sản vườn nhà cho hiệu quả kinh tế cao. |
* Gắn bó với cây sầu riêng
Ông Bình kể: “Xưa đất này là vườn tạp, trồng qua cà phê rồi tôi mới chọn trồng cây sầu riêng. Loại cây này rất khó tính, khó chiều nên thời gian đầu vườn nhà tôi vẫn xảy ra tình trạng cây chết vì nấm, bệnh”. Kiên trì gắn bó vì sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, cây nào yếu hay chết ông Bình lại bỏ đi và trồng dặm cây mới. Phải gần 10 năm, ông mới đủ bề dày kinh nghiệm để giữ được cho vườn cây luôn sinh trưởng tốt, không còn xảy ra tình trạng cây chết vì dịch bệnh.
Khi mở rộng diện tích vườn, ông Bình vẫn chọn chuyên tâm với cây sầu riêng. Với vườn sầu riêng tơ, ông trồng xen canh cây bơ để tận dụng tốt nhất hiệu quả của đất. Ông Bình khoe: “Bơ là cây trồng phụ nhưng mang lại nguồn thu không nhỏ. Hiện giờ tôi cho bơ ra nghịch vụ nên bán ngay tại vườn cũng có giá hơn 90 ngàn đồng/kg”. Nhưng với vườn sầu riêng gần 20 năm tuổi, ông tỉa bớt cây cho vườn thông thoáng. Cách này vừa giúp chọn lọc lại những cây ngon, năng suất nhất vừa tạo không gian thông thoáng cho những cây sầu riêng còn lại tiếp tục xòe tán, sinh sôi trái ngọt.
Ông Bình cho biết: “Một mình tôi chăm sóc vườn cây rộng lớn nhưng vẫn rất thảnh thơi. Tôi đã cho lắp hệ thống tưới nước tự động, công đoạn xịt thuốc, bón phân nhờ có máy móc hỗ trợ nên cũng không quá tốn công lao động. Tôi chỉ quan tâm đến khâu sản xuất, vì vào mùa vụ thương lái đưa đội nhân công vào tận nơi thu hái”.
* Giữ sức bền cho cây
Chỉ vào cây sầu riêng 19 năm tuổi, ông Bình khoe: “Mỗi vụ, cây sầu riêng này cho hơn 3 tạ trái. Trong vườn của tôi cây càng lão càng đạt năng suất cao. Theo tìm hiểu của tôi, cây sầu riêng có thể sống đến 50 năm vẫn cho thu hoạch nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách”.
Theo ông Bình, hiện nay làm nông phải đi theo hướng chuyên nghiệp. Nông dân không nên chạy theo phong trào rồi rơi vào vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt mà cần gắn bó lâu dài với một loại cây trồng. Từ đó, người trồng đầu tư kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để chăm sóc vườn cây ấy cho năng suất cao nhất, chất lượng ngon nhất thì dù thị trường có biến động vẫn gặt hái được những mùa quả ngọt.
Bí quyết để cây trồng phát triển bền vững của lão nông này là để cho cây phát triển thuận theo tự nhiên. Ông Bình dẫn chứng: “Tôi không lạm dụng phân hóa học và hầu như không mấy tốn chi phí để mua phân chuồng bón cho cây. Vì chính lớp thảm lá mục là nguồn phân hữu cơ tốt nhất tạo độ màu cho đất. Cũng nhờ thảm lá mục, mỗi tuần tôi chỉ cần tưới 2 lần cho vườn cây nên chi phí tái đầu tư cho vườn trái cây đặc sản này của tôi rất thấp”. Với tấm lòng thơm thảo, lão nông này luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ vừa bảo vệ môi trường, vừa làm ra sản phẩm an toàn mà thị trường ngày càng quan tâm.
Bình Nguyên