Ông Alex Goetz, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) Việt Nam khu vực Đông Nam bộ, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp (DN) từ các quốc gia châu Âu đang muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam và Đồng Nai sẽ là một trong những điểm đến được nhiều DN lựa chọn.
Ông cũng khẳng định mình sẽ là cầu nối giới thiệu về Đồng Nai cho các DN châu Âu đang muốn vào tỉnh đặt “đại bản doanh” để sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, Eurocham có khoảng 1 ngàn thành viên và là Hiệp hội lớn thứ nhất châu Á và thứ 4 trên thế giới. Eurocham Việt Nam đã làm vai trò trung gian hỗ trợ các DN châu Âu đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng hỗ trợ nhiều DN Việt Nam xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu ở châu Âu.
* Môi trường đầu tư thuận lợi
Là đại diện của Eurocham Việt Nam khu vực Đông Nam bộ, ông có thể đánh giá về môi trường đầu tư của Đồng Nai so với các tỉnh trong khu vực?
- Qua tìm hiểu và nghiên cứu về môi trường đầu tư ở khu vực Đông Nam bộ, tôi thấy Đồng Nai là một trong những điểm đến rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các DN đến từ châu Âu. Đồng Nai có ưu điểm là hạ tầng các khu công nghiệp hoàn chỉnh, công nghiệp phát triển đa ngành nghề và là trung tâm kết nối giao thông với nhiều tỉnh, thành phía Nam, khí hậu, thổ nhưỡng khá tốt nên rất thuận lợi cho các DN muốn đầu tư vào công nghiệp cũng như những lĩnh vực khác. Đây là một trong những lợi thế giúp Đồng Nai thu hút nhiều nhà đầu tư hơn các tỉnh khác trong khu vực.
Hiện các DN châu Âu mới đầu tư vào Đồng Nai khoảng 2,2 tỷ USD. Theo ông, con số này liệu có quá khiêm tốn so với tiềm năng?
- Đúng là đầu tư của DN châu Âu vào Đồng Nai còn ít, chưa xứng với tiềm năng của tỉnh. Nhưng tôi nghĩ thời gian tới sẽ có nhiều DN châu Âu đến tỉnh hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực. Bởi gần đây DN ở các quốc gia châu Âu đang có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh ra nước ngoài rất chú ý đến Việt Nam, đặc biệt khu vực phía Nam. Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế về giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và tới đây là đường hàng không; khí hậu, địa lý khá ưu đãi nên DN đến tỉnh làm nhà xưởng để sản xuất chi phí xây dựng, vận chuyển sẽ thấp hơn các nơi khác.
Đây sẽ là ưu thế hàng đầu để các DN chọn lựa điểm đến và quyết định đầu tư. Thời gian qua, sở dĩ DN châu Âu vào Đồng Nai chưa nhiều là do những thông tin về tỉnh còn ít, chưa nắm rõ được các chính sách của tỉnh.
Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai sau Mỹ. Những mặt hàng các DN Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường này nhiều là: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy tính và linh kiện điện tử, cà phê, nhân hạt điều, hải sản... Các DN Đồng Nai nhập khẩu nhiều từ thị trường này là: máy móc thiết bị, sản phẩm từ sắt thép, hóa chất. Đây là thị trường xuất siêu rất lớn của tỉnh. Các DN nghiệp Đồng Nai rất trông đợi FTA Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực để thêm cơ hội hợp tác mở rộng xuất khẩu vào thị trường có 27 nước. |
Như vậy có phải Đồng Nai nên phối hợp với Eurocham ở các khía cạnh như xúc tiến đầu tư và thương mại?
- Phía Eurocham Việt Nam sẵn sàng phối hợp với tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại châu Âu để các DN biết, hiểu rõ môi trường chính sách của Đồng Nai. Khi hiểu rõ những đặc điểm, lợi thế của tỉnh thì việc lựa chọn là điểm đến sẽ nhiều hơn. Tại Đồng Nai có một số DN châu Âu đầu tư từ rất sớm và khá thành công, hiện họ đang là thành viên của Eurocham. Những thành viên này sẽ là minh chứng tốt nhất và là cầu nối quảng bá, giới thiệu đến đến các DN muốn vào Việt Nam cũng như Đồng Nai.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tổ chức những cuộc hội thảo để giới thiệu cho các DN biết đến Đồng Nai nhiều hơn.
Năm 2018, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực. Các DN châu Âu có quan tâm nhiều đến hiệp định này?
- Mấy năm gần đây, các DN ở châu Âu biết và quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn nhờ báo chí trên thế giới đưa tin nhiều về FTA giữa Việt Nam - EU. Cũng nhờ hiệp định trên mà nhiều DN đã đến Việt Nam tìm hiểu trên một số lĩnh vực nhằm hợp tác về sản xuất và kinh doanh. Khi FTA Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực, tôi nghĩ sẽ có một làn sóng DN lớn, vừa và nhỏ của châu Âu đến Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất hàng hóa, địa điểm giao dịch vì đây là thị trường xuất, nhập khẩu lớn của cả 2 bên. FTA Việt Nam - EU ngay khi có hiệu lực sẽ có nhiều dòng thuế giảm ngay về 0% và cũng có những dòng thuế giảm theo lộ trình sẽ giúp đưa quan hệ thương mại và đầu tư giữa châu Âu và Việt Nam lên một tầm cao mới.
Trong những năm qua, EU là một đối tác đáng tin cậy và đang hỗ trợ quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện châu Âu là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Việt Nam (xếp thứ 2 sau Mỹ). Các nước châu Âu nhập khẩu gần 20% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thương mại 2 chiều liên tục tăng, song chủ yếu tăng trưởng ấn tượng ở hàng xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu.
* Chú ý đến công nghiệp, dịch vụ
Lĩnh vực nào các DN châu Âu đang muốn mở rộng và đầu tư mới vào Việt Nam cũng như Đồng Nai?
- Thế mạnh của những DN đến từ các quốc gia châu Âu là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ. Quá trình phát triển hầu hết đều chú trọng đến tăng trưởng xanh để bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Do đó, các DN châu Âu khi đầu tư vào Việt Nam đều cam kết sẽ thực hiện tốt những vấn đề trên. Các nhà máy của DN châu Âu đầu tư vào Việt Nam cũng như Đồng Nai đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Lĩnh vực các DN đang muốn mở hoạt động tại Việt Nam là sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Cũng nhiều DN quan tâm đến giáo dục, nông nghiệp. Tôi nghĩ Đồng Nai không chỉ thu hút DN nước ngoài trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà còn hấp dẫn lĩnh vực xây dựng hạ tầng, dịch vụ, giáo dục, đặc biệt tới đây khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng.
Xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có khoảng 21 ngàn hécta dự kiến sẽ quy hoạch nhiều dự án phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch. Các DN châu Âu có hứng thú việc đầu tư vào vùng này?
- Những ngày đầu năm 2018, Eurocham Việt Nam chọn làm việc với Đồng Nai cũng là để tìm hiểu rõ hơn về môi trường, những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư để thông tin lại cho các DN, giúp họ cái nhìn khái quát về Đồng Nai trong việc chọn lựa điểm đến cho phù hợp. Với một sân bay lớn mang tầm khu vực thì các dự án về thương mại, dịch vụ xung quanh sẽ rất được quan tâm.
Theo tôi, không chỉ DN châu Âu có hứng thú với việc đầu tư vào khu vực này mà các DN nước ngoài khác cũng rất quan tâm. Sau khi nắm được thông tin cụ thể về khu vực xung quanh cảng hàng không, chúng tôi sẽ thông tin lại cho các DN.
Theo ông, Đồng Nai nên làm gì để có thể đón được làn sóng đầu tư từ châu Âu nhiều hơn?
- Tôi nghĩ nên quảng bá nhiều hơn về những ưu điểm của tỉnh, những lĩnh vực, dự án đang ưu tiên mời gọi đầu tư để họ biết có thể cân nhắc chọn lựa. Khi DN muốn đầu tư vào tỉnh nào, họ đều tìm hiểu kỹ về chính sách, lợi thế, sau đó so sánh nơi nào phù hợp nhất sẽ dừng chân. Đồng Nai gần TP.Hồ Chí Minh và hội tụ nhiều ưu điểm nên nếu làm tốt công tác xúc tiến đầu tư sẽ có nhiều DN đến tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm đến đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN.
Từ năm 1990, Liên minh châu Âu đã và đang hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam hướng tới giảm nghèo, phát triển bền vững và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. EU có hơn 500 triệu dân và GDP 15 ngàn tỷ USD/năm (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu). Theo các chuyên gia kinh tế, việc thông qua FTA Việt Nam - EU có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,5% vào năm 2020 và 4,6% vào 2025. |
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)