Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và 2050. Nhiều người dân băn khoăn giữa quy hoạch đất đai và quy hoạch vùng liệu có thống nhất?
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh (trong đó có Đồng Nai) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều người dân băn khoăn giữa quy hoạch đất đai và quy hoạch vùng liệu có thống nhất?
TP.Biên Hòa sẽ là trung tâm phát triển dịch vụ đa ngành nghề chất lượng cao. Trong ảnh: Một góc của TP.Biên Hòa. |
Mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh là để cả vùng trở thành trung tâm kinh tế lớn của châu Á và quốc tế. Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng trong quy hoạch vùng và sẽ trở thành một trung tâm phát triển về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thương mại, logistics, du lịch sinh thái...
* Chờ quy định cụ thể
Vùng TP.Hồ Chí Minh gồm 8 tỉnh, thành gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước. Tổng diện tích toàn vùng là hơn 30,4 ngàn km2. Dân số dự kiến đến năm 2020 là 20-22 triệu người, trong đó sẽ có gần 60-65% dân sinh sống ở khu vực đô thị.
Quy hoạch vùng quy định từng khu vực của Đồng Nai sẽ tập trung vào những lĩnh vực khác nhau để tạo kết nối với các tỉnh, thành. Khi xây dựng và điều chỉnh quy hoạch vùng, Chính phủ cũng căn cứ trên quy hoạch sử dụng đất, lợi thế của từng khu vực nhằm phát huy những thế mạnh của từng địa phương.
Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho biết: “Huyện chưa nhận được văn bản cụ thể hướng dẫn về việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng. Vì thế huyện cũng đang chờ đợi tỉnh triển khai để sau này căn cứ vào đó điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, các dự án cho phù hợp và có thể kết nối với các tỉnh, thành khác trong vùng”.
Bà Châu nhận định giữa quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện hiện không có sự chồng lấn nhiều. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương đã căn cứ trên quy hoạch xây dựng vùng trước đây để thực hiện.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho rằng, quy hoạch xây dựng vùng chỉ mang tính bao quát chung để trong quá trình thực hiện các dự án của TP.Biên Hòa có thể kết nối chung với các địa bàn khác trong tỉnh và những tỉnh, thành khác trong vùng. Đây sẽ là căn cứ để các địa phương trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tránh được chồng chéo các dự án.
“Sau này dựa trên hướng dẫn chi tiết về điều chỉnh quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh những dự án cụ thể không phù hợp, Biên Hòa sẽ điều chỉnh. Căn cứ vào đó, những quy hoạch sử dụng đất không phù hợp sẽ đề xuất điều chỉnh. Các dự án sau này sẽ ưu tiên phát triển theo quy hoạch vùng để kết nối về giao thông”- ông Dũng nói.
Theo điều chỉnh quy hoạch vùng, trong tương lai Biên Hòa sẽ là đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm tiếp vận phía Đông của vùng. Trong đó tập trung phát triển về dịch vụ đa lĩnh vực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ đô thị, trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ, thương mại, tài chính.
* Cần phát triển đồng bộ
Theo nhiều kiến trúc sư, quy hoạch xây dựng vùng là để các tỉnh, thành trong khu vực căn cứ vào đó thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội cho hài hòa. Đồng thời việc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và cấp phép các dự án sẽ tránh chồng lấn giữa tỉnh này với tỉnh khác. Quan trọng nhất là các tiểu vùng có thể kết nối với nhau về giao thông để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ, khi so sánh quy hoạch của huyện và điều chỉnh quy hoạch vùng của huyện cũng không có khác biệt nhiều. Tuy nhiên sau này khi đi vào thực hiện cụ thể từng dự án nếu chưa phù hợp với quy hoạch vùng, huyện sẽ đề xuất tỉnh điều chỉnh lại xây dựng, đất đai cho phù hợp để kết nối với vùng.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, nhận định: “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh sẽ giúp mỗi địa phương quy hoạch về đất đai, xây dựng được đồng bộ. Trên cơ sở quy hoạch vùng sẽ điều chỉnh phê duyệt quy hoạch về đất đai, xây dựng để quản lý, thu hút đầu tư tốt hơn”.
Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho hay: “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng có thời gian dài và tầm nhìn xa đến năm 2050 sẽ giúp cho các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện các quy hoạch về đất đai, xây dựng đồng bộ hơn để kết nối với nhau cùng phát triển nhanh hơn. Đồng Nai sẽ căn cứ vào quy hoạch vùng để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từng giai đoạn, từng năm và các dự án sẽ phải thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất”.
Thực tế hiện nay trong quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Vì thế căn cứ vào quy hoạch xây dựng vùng để điều chỉnh quy hoạch đất và cấp phép đầu tư, xây dựng các dự án sẽ tạo nên sự thống nhất.
Hương Giang