Kinh tế

Xuất khẩu năm 2018 rộng mở

Năm 2018, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội. Trong đó, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, khoảng 99% dòng thuế sẽ về 0%...

Năm 2018, nhiều nhận định cho rằng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn năm trước. Trong đó, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, khoảng 99% dòng thuế sẽ về 0%. Một số các dòng thuế từ các FTAs khác theo lộ trình cũng tiếp tục giảm.

Sản xuất vải tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) cung ứng cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam để hưởng các ưu đãi khi xuất vào EU và các nước có ký kết FTA.
Sản xuất vải tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) cung ứng cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam để hưởng các ưu đãi khi xuất vào EU và các nước có ký kết FTA.

Theo Bộ Công thương, có khả năng Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn thành đàm phán trong năm 2018. RCEP không chỉ đơn thuần là một hiệp định thương mại mang tính bổ sung mà còn là hiệp định cung cấp quy mô và phạm vi để mở ra những tiềm năng tăng trưởng mới, cũng như viết ra các quy tắc mới trong thương mại quốc tế. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước nên các doanh nghiệp rất chú ý đến những thông tin này.

* Xuất khẩu lập kỷ lục mới

Theo Bộ Công thương, FTA Việt Nam - EU có hiệu lực không chỉ giúp tăng thương mại 2 chiều mà còn là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư từ EU và các nước khác vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2014 đầu tư của EU vào Việt Nam chỉ xếp thứ 6 nhưng đến năm 2017 vượt lên xếp thứ 3.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: “FTA Việt Nam - EU có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU nhiều hơn. EU đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với 20% sản lượng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này”.

Từ vài năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chủ động về nguyên liệu đầu vào, các quy định khác để đón FTA với EU. Mục đích là khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ hưởng ngay các ưu đãi về thuế.

Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành), cho hay: “Nếu FTA Việt Nam - EU hiệu lực, các doanh nghiệp Đồng Nai sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước trong khối. Đây là thị trường lớn với 27 nước thành viên nên cơ hội đem đến rất lớn. Tuy nhiên, hàng hóa muốn vào được thị trường này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa và các rào cản kỹ thuật khác”.

Những năm qua, EU là thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai. Những mặt hàng mà các doanh nghiệp trong tỉnh đang xuất khẩu nhiều vào những nước trên là: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, nông sản...

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt 18,3-18,5 tỷ USD, tăng 9-11% so với năm trước. Kế hoạch này nằm trong tầm tay vì năm nay thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn. Đặc biệt, FTA Việt Nam - EU có hiệu lực sẽ là dịp để doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này”.

Thị trường EU hiện có 27 nước nhưng các doanh nghiệp Đồng Nai mới chỉ xuất khẩu chủ lực khoảng 5-6 thị trường, còn các thị trường khác vẫn đang bỏ ngỏ.

* Nhiều Ngành hưởng lợi

Giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện điện tử... là những mặt hàng sẽ được hưởng lợi nhiều từ FTA Việt Nam - EU. Bởi các doanh nghiệp trên lĩnh vực này đã có sự chủ động từ khá sớm về nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất... Đồng thời, EU cũng đang là thị trường lớn của Đồng Nai cho những mặt hàng chủ lực.

RCEP là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực với 16 quốc gia tham gia, trong đó bao gồm 10 nước thành viên của ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Hiệp định được đàm phán từ ngày 9-5-2013. Nếu RCEP thành công, sẽ tạo ra một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới với gần một nửa dân số toàn cầu và 39% GDP toàn cầu. Hiện các nước đang thúc đẩy hoàn tất đàm phán và ký kết trong năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến, nói: “Khoảng 65% hàng may mặc của công ty xuất khẩu vào thị trường EU nên FTA Việt Nam - EU có hiệu lực tạo thuận lợi rất lớn cho xuất khẩu. Đơn đặt hàng công ty nhận được từ thị trường này khá dồi dào nên vẫn đang tiếp tục tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất đáp ứng các đơn hàng. Công ty dự kiến sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU”.

Các doanh nghiệp trên lĩnh vực điện tử, chế biến nông sản, máy móc thiết bị, phụ tùng, sắt thép, mây tre đan... cũng đã có kế hoạch mở rộng tiêu thụ hàng hóa vào EU, đặc biệt là những quốc gia trong khối  lâu nay chưa được chú ý.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh: “Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm nay dự tính sẽ đạt 34-34,5 tỷ USD, tăng từ 3-3,5 tỷ USD so với năm 2016 là vì EU thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam sẽ giảm thuế về 0%. Thuế giảm sẽ giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của các quốc gia khác nên việc tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường EU sẽ dễ dàng hơn”. Bên cạnh đó, theo ông Giang nếu RCEP thành công trong năm 2018 cũng sẽ giúp dệt may và các ngành khác có thêm nhiều lợi thế trong xuất khẩu.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,019,099       445