Mới đây ,Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trở thành vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
Đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). |
Việc điều chỉnh này còn hướng tới phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, Đồng Nai được xem là một đô thị thành phần quan trọng với nhiều triển vọng phát triển dựa trên sự liên kết hợp tác chặt chẽ trong vùng.
* Đô thị vùng
Theo quyết định điều chỉnh, vùng TP.Hồ Chí Minh sẽ trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, trung tâm văn hóa, GD-ĐT, khoa học - công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á. Vùng này lấy TP.Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, là trung tâm tri thức, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.
Điều chỉnh cũng đưa ra các định hướng cụ thể về phát triển đô thị, định hướng phát triển khu dân cư nông thôn, phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ, nghiên cứu khoa học, GD-ĐT, y tế và văn hóa, thể dục - thể thao, nông lâm nghiệp, giao thông... của vùng. Vùng TP.Hồ Chí Minh sẽ được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế, trong đó tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TP.Hồ Chí Minh và vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
* Kinh tế tiểu vùng phía Đông
Theo điều chỉnh, phạm vi vùng TP.Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.400km2. Dự báo đến năm 2030 dân số toàn vùng khoảng 24-25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6-7 triệu người và có 18-19 triệu lao động. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70-75%. |
Theo quy hoạch, tiểu vùng phía Đông gồm Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là tiểu vùng rất quan trọng, là động lực phát triển kinh tế của đất nước. TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng thời gian tới đô thị Biên Hòa cùng với 2 đô thị Long Thành, Nhơn Trạch tạo thành một tam giác kinh tế rất quan trọng. Cũng theo ông Lịch, Long Thành và Nhơn Trạch tương lai sẽ là đô thị đáng chú ý. Ông nhận định, chỉ cần xây dựng được cầu Cát Lái thì đô thị Nhơn Trạch sẽ phát triển tương tự quận 2 của TP.Hồ Chí Minh. Đô thị Long Thành gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được tỉnh tính toán phát triển trở thành thành phố sân bay.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương cũng cho rằng đó là điều cần thiết. Theo ông Phương, không gian phát triển đô thị của tỉnh được quy hoạch chủ yếu được gắn với trục quốc lộ 1 và quốc lộ 51, các chùm đô thị cũng đã phát triển khá rõ nét.
Theo quy hoạch, Nhơn Trạch sẽ là trung tâm công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, trung tâm dịch vụ logistics vùng, đầu mối giao thông, trung tâm giải trí du lịch sinh thái. Long Thành là một trung tâm thương mại, tài chính cấp vùng, trung tâm dịch vụ logistics cấp quốc gia. Huyện Trảng Bom sẽ phát triển thành đô thị loại III kho vận, du lịch sinh thái cấp vùng. Khu vực TX.Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán và một phần huyện Vĩnh Cửu sẽ là cực tăng trưởng trên hành lang kinh tế dọc quốc lộ 1. Kiến trúc sư Trần Mạnh Dũng (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai) cho rằng việc phát triển đô thị cần bám sát quy hoạch, bởi nếu không sẽ rất khó kiểm soát để định hướng phát triển.
Vân Nam