Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại Đồng Nai đều mong muốn được công nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao bởi điều này sẽ giúp sản phẩm của họ sẽ dễ tiêu thụ ở thị trường nội địa...
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng tại Đồng Nai đều mong muốn được công nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Thực tế, khi DN đạt được danh hiệu trên, sản phẩm làm ra sẽ dễ tiêu thụ ở thị trường nội địa và cũng dễ xuất khẩu hơn.
Thương hiệu Megasun của Công ty TNHH sản xuất Megasun (TP.Biên Hòa) nhiều năm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. |
Có không ít DN ở Đồng Nai từng “than thở”, nhiều năm liền cố gắng để đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng vẫn bị rớt. Trong đó có những công ty sản xuất lớn, sản phẩm bán sỉ cho rất nhiều DN trong nước và xuất khẩu, nhưng khi đưa vào danh sách bình chọn vẫn bị người tiêu dùng loại ra.
Câu hỏi được rất nhiều DN hàng Việt đặt ra là: làm gì để đạt được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao?
* Người tiêu dùng quyết định
Theo Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm cả nước chỉ có 560-590 DN trên cả nước đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là danh hiệu do người tiêu dùng bình chọn thông qua các phiếu khảo sát. Vì thế nếu sản phẩm của DN không được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn nhiều thì rất khó được công nhận danh hiệu trên. |
Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh (TP.Biên Hòa), cho biết, hơn 10 năm qua, công ty của ông sản xuất các loại găng tay, khẩu trang bảo hộ cung cấp cho thị trường trong nước và rất muốn đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.
"Vì có được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng hóa bán vào hệ thống các siêu thị sẽ thuận lợi và cũng được nhiều khách hàng lựa chọn hơn. Tuy nhiên, DN cũng không biết phải đảm bảo các tiêu chí nào mới được bình chọn” - ông Tuấn nói.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao TP.Hồ Chí Minh, danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao là do người tiêu dùng cả nước bình chọn thông qua việc gửi phiếu phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng và hộ gia đình ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
"Vì vậy, nếu DN sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt nhưng chỉ bán sỉ và xuất khẩu, không chú ý đến kênh bán lẻ khó đạt được hàng Việt Nam chất lượng cao vì ít được người tiêu dùng biết đến” - bà Hạnh cho biết.
Cũng theo bà Hạnh, qua 21 năm bình xét hàng Việt Nam chất lượng cao thì thấy những DN sản xuất trên lĩnh vực thực phẩm được chọn nhiều hơn do dễ tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Những lĩnh vực khác muốn đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao phải chú ý đầu tư quảng bá sản phẩm, bán hàng ở kênh bán lẻ và mở nhiều điểm bán hàng ở các tỉnh, thành.
Đồng Nai có hơn 10 ngàn công ty sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhưng năm 2017 chỉ có 32 DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, song trong đó chỉ có 9 DN “thuần Việt”, nghĩa là vốn liếng và thương hiệu đều thuộc về nhà sản xuất trong nước. Con số trên khá khiêm tốn so với một tỉnh là cái nôi đầu tiên và có công nghiệp phát triển nhất cả nước.
“Nếu DN sản xuất hàng hóa chỉ tiêu thụ ở thị trường phía Nam và miền Trung, nhưng quá trình bình chọn lại làm trên bình diện cả nước thì rất khó đạt được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Điều này đòi hỏi DN mở rộng mạng lưới bán lẻ sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng trên cả nước” - ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa) nhận định.
Tuy nhiên, đây là việc không dễ với những DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai và cả nước.
* Giữ danh hiệu không dễ
Đạt được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đã khó, song giữ được danh hiệu này duy trì qua các năm còn khó hơn. DN muốn duy trì được danh hiệu hướng đến sự chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý sản xuất đến cung ứng, phát triển và quảng bá thương hiệu, theo đuổi cảm nhận và trải nghiệm của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, DN hiều và đáp ứng nhu cầu tiền ẩn của người tiêu dùng, đón đầu các công nghệ hiện đại đưa vào sử dụng trong sản xuất giúp sản phẩm ngày càng hoàn thiện, nâng cao được chất lượng, mẫu mã, tiện lợi. Từ đó, DN sẽ chiếm được sự tin tưởng, lựa chọn của người tiêu dùng nhiều hơn và có thêm cơ hội mở rộng, phát triển thị trường mới, thị trường xuất khẩu.
“Để duy trì được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao qua các năm, công ty phải luôn cải thiện sản phẩm tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao. Đồng thời, DN liên tục nghiên cứu để có những sản phẩm mới đa dụng đưa ra thị trường để người dùng có nhiều sự lựa chọn cho phù hợp” - ông Bùi Đức Hạnh, nhân viên Phòng kinh doanh Công ty TNHH sản xuất Megasun (TP.Biên Hòa), cho hay.
Megasun là một trong những DN chuyên sản xuất những sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời ứng dụng trong các công trình dân dụng và công nghiệp ở Đồng Nai, nhiều năm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP.Hồ Chí Minh, sau 21 năm thực hiện chương trình cả nước chỉ có 40 DN đạt được danh hiệu liên tục trong 21 năm liền. DN có logo hàng Việt Nam chất lượng cao gắn trên sản phẩm thể hiện cam kết đảm bảo chất lượng của DN với người tiêu dùng, tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương, nhấn mạnh: “DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao và duy trì được qua nhiều năm sẽ ngày càng khẳng định được vị thế của mình với người tiêu dùng trong nước. Điều đó được thể hiện qua việc hàng năm hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại Đồng Nai đều thu hút rất nhiều người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm”.
Hương Giang