Kinh tế

Cần mạnh tay với dự án treo

Câu chuyện về dự án treo ở Đồng Nai không còn mới mẻ, song nỗi khổ của người dân khi nhà, đất nằm trong khu vực dự án treo vẫn tiếp diễn, chưa dừng lại.

Một dự án khu dân cư kéo dài nhiều năm tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: K.MINH
Một dự án khu dân cư kéo dài nhiều năm tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: K.MINH

Có những dự án kéo dài 10-15 năm và câu hỏi duy nhất của người dân là: khi nào dự án thực hiện? Nếu không thực hiện thì phải làm sao để được trả lại quyền lợi đầy đủ của họ trên thửa đất?

* “Lèng èng” quá nhiều năm


Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, đến nay UBND tỉnh đã rút phép đầu tư gần 260 dự án chậm triển khai ở các địa phương. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế vẫn còn không ít dự án kéo dài trên 8 năm vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện. Các địa phương có nhiều dự án treo, gồm các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, TP.Biên Hòa.

Có đến những khu vực dự án treo kéo dài nhiều năm mới thấy hết nỗi khổ của người dân. Có những hộ đã trên dưới 10 năm phải sống cảnh “ăn nhờ ở đậu” ngay trên chính mảnh đất của mình. Nguyên nhân là do đất bị quy hoạch làm dự án song nhiều năm liền chủ đầu tư cứ “xí đất” để đó, không triển khai khiến người dân muốn đầu tư chuyển đổi cây trồng tăng thu nhập cũng không được. Nhà cửa xuống cấp xập xệ cũng không được sửa sang, khi cần chia cho con cái để làm nhà hoặc sang nhượng cũng bị hạn chế, càng không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế.

Ông Lương Văn Trận (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) bày tỏ: “Đất của gia đình tôi bị quy hoạch làm khu dân cư kéo dài hơn 10 năm chưa hoàn thành. Báo hại gia đình tôi có đất mà không thể đầu tư sản xuất để tăng thu nhập. Tôi và những người dân khác trong khu dự án treo chỉ mong Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư nếu làm được thì làm, không thì thu hồi giao cho doanh nghiệp khác đủ năng lực triển khai nhanh, bồi thường sớm cho chúng tôi đến nơi khác an cư lập nghiệp”. Thực tế có những xã quy hoạch đến vài chục dự án và hầu hết đều có chủ đầu tư, song các chủ đầu tư kéo dài để “chờ thời”.

“Trên địa bàn xã có đến 39 dự án lớn nhỏ, trong đó chủ yếu là dự án khu dân cư. Có nhiều dự án được tỉnh cấp phép từ trước năm 2010 mà hiện tại vẫn án binh bất động hoặc làm được một ít rồi để đó” - ông Phạm Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Phú Hội, nói.

Một số dự án tại huyện Nhơn Trạch đến nay đã kéo dài hơn 10 năm chưa xây dựng xong làm người dân rất bức xúc, là: dự án khu dân cư của Công ty cổ phần đầu tư và  phát triển Nhơn Trạch tại xã Phú Hội, được tỉnh cấp phép từ năm 2004; dự án khu dân cư ở xã Phước An từ năm 2003 của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị; dự án khu dân cư tại xã Phước An của Công ty cổ phần Đệ Tam từ năm 2006...

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Trong xã quy hoạch hơn 10 dự án, có những dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện xong làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. Do đó, lần nào tiếp xúc cử tri người dân trong khu vực quy hoạch dự án cũng kiến nghị nhanh chóng thực hiện hoặc xóa quy hoạch”.

Cuối tháng 5-2017 huyện Long Thành đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét xử lý 14 dự án chậm triển khai do UBND tỉnh cấp phép. Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, huyện thường xuyên cho rà soát các dự án trên địa bàn xem doanh nghiệp gặp khó khăn gì thì hỗ trợ tháo gỡ, còn những dự án kéo dài nhiều năm không thực hiện thì kiến nghị tỉnh xử lý. Cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa trong năm 2016 cũng kiến nghị tỉnh rút chứng nhận đầu tư của 46 dự án treo, sau đó UBND tỉnh đã thu hồi hơn 30 dự án.

* Hết hiệu lực, vẫn gây khổ

Hiện nay, quy định về tiến trình thực hiện dự án đã được nêu khá rõ ràng và cụ thể trong các luật, thông tư. Cụ thể, dự án cấp phép 2 năm không thực hiện sẽ bị thu hồi, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn UBND tỉnh có thể xem xét gia hạn thêm 1 năm.

Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, khẳng định: “Dự án giới thiệu địa điểm mà sau 2 năm chủ đầu tư không thực hiện thì đương nhiên hết hiệu lực, các địa phương có thể kiến nghị UBND tỉnh giới thiệu cho doanh nghiệp khác đủ năng lực để thực hiện tiếp. Trường hợp gia hạn thêm 1 năm là khi các chủ đầu tư đã bồi thường được khoảng 50% diện tích đất trong dự án”. Cũng theo ông Dũng, những dự án chậm triển khai, kéo dài nhiều năm các địa phương nên kiến nghị UBND tỉnh để xử lý.

Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu nhận xét rất ít dự án triển khai đúng lộ trình. Nguyên nhân chính là do công tác bồi thường kéo dài, nhiều chủ đầu tư tiềm lực về tài chính yếu... Người dân hầu hết chấp hành chủ trương quy hoạch dự án của Nhà nước nhưng yêu cầu phải thực hiện dự án nhanh, bồi thường tái định cư thỏa đáng.

Như vậy, trừ một số dự án đặc biệt có chính sách riêng, với những dự án khác đã kéo dài nhiều năm không được UBND tỉnh gia hạn thì đương nhiên không còn hiệu lực. Nếu thế, những dự án khu dân cư “xí đất” chờ thời tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa... tại sao vẫn tồn tại hạn chế quyền lợi của người dân? Vấn đề này người dân mong UBND  tỉnh sớm làm rõ và xử lý.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,043       35