Kinh tế

Du lịch thông minh sẽ là hướng đi tất yếu

Là người gắn bó với ngành du lịch trong nước nhiều năm, ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiểu rất rõ những thế mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp (DN) du lịch cũng như xu hướng của khách hàng.

Theo ông Trí, Việt Nam và thế giới đang hướng đến du lịch thông minh khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng.

Những năm gần đây, nhu cầu đi du lịch của người Việt, đặc biệt là những người trẻ, tăng khá mạnh. Việt Nam là nước đang có dân số vàng nên các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là thời điểm tốt nhất để phát triển du lịch. Do đó, cơ hội mang đến cho các DN du lịch, khách sạn, nhà hàng là rất lớn. Việt Nam cũng là một trong các nước thuộc nhóm đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phát triển du lịch trực tuyến và đang tiến gần đến du lịch thông minh.

* Khái niệm còn mới mẻ

 Gần đây, cụm từ “du lịch thông minh” được nhiều người nhắc đến, nhưng nên hiểu thật cụ thể như thế nào mới gọi là “du lịch thông minh”,  thưa ông?

- Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cuộc cách mạng này giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người.

Những DN du lịch nào nhanh tay nắm bắt lợi thế trên để phát triển du lịch thông minh sẽ đem lại doanh thu rất cao. Xu hướng gần đây của nhiều người trẻ là thích du lịch trải nghiệm, đi trong nước, quốc tế và trước khi đi du lịch có thể tự lên tất cả lịch trình cho mình và không cần phụ thuộc vào tour. Đây được coi là đi du lịch thông minh và đang trở thành xu thế được nhiều người chọn lựa. Nó cũng sẽ giúp những du khách có cái nhìn khác biệt về cách đi du lịch và trải nghiệm các chuyến đi trong thực tế...

Du lịch thông minh khác với những tour du lịch truyền thống bởi chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại có mức chi phí thấp và an toàn. Đây là hình thức trải nghiệm điểm đến du lịch một cách tốt nhất theo cách của bạn.

 * Vậy ngành du lịch Việt Nam cần làm gì cụ thể với khái niệm này?

- Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ cùng các chuyên gia kinh tế trên lĩnh vực du lịch sẽ nghiên cứu, đánh giá làm rõ để mọi người cùng hiểu đầy đủ về du lịch thông minh. Chẳng hạn du lịch thông minh có phải là tất cả do robot làm không, hay “thông minh” nghĩa là tất cả cùng lên mạng để tìm kiếm thông tin về du lịch rồi tự trải nghiệm không cần tương tác giữa con người với con người... Tất cả những vấn đề trên tôi nghĩ đều phải đưa ra thảo luận cùng các chuyên gia để đi đến thống nhất chung.

 Có người cho rằng khi du lịch thông minh phát triển đến một tầm cao sẽ không cần đến tương tác giữa con người với con người. Ông nghĩ gì về điều này?

- Như tôi đã nói ở trên, những đánh giá hiện nay về du lịch thông minh còn mang tính chủ quan, vì vậy cần có một nghiên cứu phân tích làm rõ trước khi đi đến một kết luận nào đó. Cụ thể các chuyên gia, DN du lịch, phải có tìm hiểu kỹ về nhu cầu của người tiêu dùng xem xu hướng hiện tại và trong tương lai khi cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam họ sẽ chọn xu hướng du lịch như thế nào? Trong đó, sẽ làm rõ khách đi du lịch chỉ muốn giao tiếp với robot hoặc lên mạng là đủ hay vẫn cần những hướng dẫn viên đi cùng.

Tuy nhiên theo tôi nghĩ, dù du lịch thông minh có phát triển, người tiêu dùng có thể có tất cả những công cụ hỗ trợ để đi du lịch một mình thì vẫn có những người muốn có sự tương tác giữa con người với con người, có những hướng dẫn viên đi kèm chẳng hạn.

* Chú trọng tương tác trực tuyến

 * Nhiều năm trong ngành, theo quan sát của ông, đâu là lợi thế và đâu là điểm yếu của DN du lịch Việt Nam?

- Du lịch đang đóng vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là hơn 6,2 triệu người, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch trong nước cũng tăng cao. Có được kết quả trên là nhờ các DN du lịch đã có những kế hoạch phát triển hiệu quả. Nhiều DN đã không ngừng nâng cao và khẳng định thương hiệu của mình và liên tiếp xây dựng những tour, điểm đến phù hợp với nhiều khách hàng, đồng thời có nhiều ưu đãi với khách hàng thân thiết. Đặc biệt, các DN du lịch đã biết tận dụng lợi thế từ du lịch trực tuyến để quảng bá các tour, điểm đến, đồng thời có những hình thức thanh toán đảm bảo, nhanh và tiện lợi cho khách hàng.

Theo báo cáo đánh giá của Google, Cục Thương mại điện tử - công nghệ thông tin thì du lịch là ngành xếp thứ 3 trong mua sắm trực tuyến. Rất nhiều người trước khi đi du lịch lên mạng tìm kiếm thông tin về tour, điểm đến, khách sạn, nhà hàng...

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện các DN du lịch chỉ kinh doanh trực tuyến và doanh thu không ngừng tăng nhanh. Nếu kinh doanh du lịch trực tuyến là thế mạnh của nhiều DN thì cũng là điểm yếu của không ít DN khi chưa chú trọng đến phát triển lĩnh vực này. Bên cạnh đó, một số DN du lịch cũng còn tồn tại những điểm yếu như: chất lượng các tour không đảm bảo, giá tour còn cao, không ổn định...

* Ông có lời khuyên nào cho các DN đang trong cuộc đua  du lịch trực tuyến?

- Tôi nghĩ các DN du lịch không cần cân nhắc mà hãy tham gia vào du lịch trực tuyến ngay. Tôi cũng đã từng tham gia nhiều hội nghị về du lịch trên thế giới và lời khuyên của các chuyên gia với DN du lịch là đừng suy nghĩ nhiều hãy tham gia vào du lịch trực tuyến và coi đó như là một “con tàu” để cố gắng chạy theo và nhảy lên con tàu đang chạy bằng được, nếu không sẽ bị tụt hậu không bao giờ bắt kịp tốc độ, nhu cầu của người tiêu dùng đang cần.          

Rất nhiều khách du lịch than phiền là giá các tour ra nước ngoài thường ổn định cả năm, nhưng tại Việt Nam vào dịp lễ, tết hay bị đội lên rất cao do dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu du lịch tăng giá. Việc này đã khiến các du lịch của Việt Nam “mất điểm” với khách trong nước, quốc tế. Vấn đề này phải giải quyết như thế nào?

- Đây chính là một trong những hạn chế của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được triệt để. Mặc dù so với những năm trước tình trạng này đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra với những khách tự đi du lịch. Hiện nay, các công ty du lịch thường hợp đồng trước với các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch nên vào các dịp lễ, tết giá không tăng quá cao.

Về phía tổng cục, chúng tôi cũng đã đề nghị các tỉnh, thành quản lý tốt lĩnh vực du lịch để tránh tình trạng chặt, chém khách đi du lịch vào những dịp lễ, tết. Các địa phương cũng nên vận động tuyên truyền những DN kinh doanh các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng nên nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ giá cả ổn định làm hài lòng khách du lịch để họ còn quay trở lại. Nếu các DN kinh doanh lĩnh vực này không cải thiện nâng cấp dịch vụ và giữ giá cả cạnh tranh thì lượng khách đến sẽ giảm dần vì họ sẽ chọn những nơi đến khác có giá cả và dịch vụ hấp dẫn hơn.

 * Xin cảm ơn ông!

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành du lịch phải phát triển du lịch thông minh. Ở Việt Nam cụm từ “du lịch thông minh” vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người nên rất cần các chuyên gia, DN du lịch có những cuộc hội thảo để xác định, làm rõ hơn hình hài của du lịch thông minh và đưa ra trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị. Trong những tháng còn lại của năm 2017, Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ làm đầu mối để cùng với các chuyên gia, DN du lịch làm rõ thế nào là du lịch thông minh và vai trò của từng đối tác trong đó.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,216,792       516