Kinh tế

Sớm khởi công nút giao Tân Phong

Dự án nút giao ngã tư Tân Phong đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn tất hồ sơ để triển khai thi công. Đây là một trong những dự án chống kẹt xe được người dân TP.Biên Hòa chờ đợi.

Dự án nút giao ngã tư Tân Phong đang được chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) gấp rút hoàn tất hồ sơ để triển khai thi công. Đây là một trong những dự án chống kẹt xe được người dân TP.Biên Hòa chờ đợi.

Kẹt xe vào giờ cao điểm ở ngã tư Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Giới
Kẹt xe vào giờ cao điểm ở ngã tư Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Giới

Nút giao Tân Phong đã được Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm (TP.Hà Nội) hoàn thành thiết kế, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán cho công trình.

* Hầm chui trăm tỷ

Ông Nguyễn Linh, Trưởng phòng Giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết khi có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán công trình của UBND tỉnh ban sẽ triển khai thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng. Theo tính toán, dự án xây dựng hầm chui ngã tư Tân Phong có tổng kinh phí hơn 228 tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng và thiết bị trên 182 tỷ đồng.

Nhóm thiết kế dự án cho hay khu vực ngã tư Tân Phong được thiết kế nút giao khác mức, cụ thể là hầm chui dọc theo hướng của đường Đồng Khởi với chiều dài 430m. Kết cấu hầm gồm phần hầm kín dài 50m, hầm hở hình chữ U 300m và tường chắn hình chữ L dài 80m. Trong đó, phần hầm kín được thiết kế dạng hộp hình chữ nhật gồm 3 đốt, đốt 1 và đốt 3 có chiều dài 15m/đốt, riêng đốt số 2 dài 20m. Kích thước thông thủy của hầm là 13m và tĩnh không là 4,75m. Hầm làm bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ. Đối với phần hầm hở hình chữ U phía tỉnh lộ 768 được thiết kế 7 đốt (mỗi đốt dài 20m) dài 140m; phía Amata có 8 đốt dài 160m. Phần tường chắn chữ L được bố trí về 2 phía của hầm hở mỗi bên 4 đốt dài 40m.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, chủ nhiệm thiết kế dự án, hầm chui ngã tư Tân Phong do phần hầm kín ngắn và nằm trên đường thẳng nên không cần phải bố trí quạt thông gió. Việc xử lý nước mưa cho hầm này được thiết kế 3 máy bơm (2 máy chính và 1 máy dự phòng) với công suất trên 600m3/giờ. 

* Lo kẹt xe khi thi công

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho rằng với thiết kế hầm được bố trí cho xe lưu thông 2 chiều với 4 làn xe (2 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp) có tốc độ thiết kế 60km/giờ và 4 làn xe trên đường gom 2 bên hầm có tốc độ 40km/giờ, khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông cho ngã tư Tân Phong. Đắn đo của lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải là trong quá trình thi công đây là nút giao khá đông xe, vì vậy phải tính toán kỹ. “Trong báo cáo với UBND tỉnh tôi cũng nêu rõ, trước khi triển khai thi công, chủ đầu tư cần thống nhất với các ban, ngành và các đơn vị liên quan về phương án đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công và cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết” - ông Thành chia sẻ.

Quả thực, hiện tại lượng xe vào những giờ cao điểm hàng ngày đã nối đuôi nhau dài cả cây số qua nút giao này, khi dự án được triển khai mặt đường bị thu hẹp cho thi công lúc đó nếu không có phương án bố trí tốt sẽ tránh khỏi được ùn tắc nơi đây. Nút giao ngã tư Tân Phong được người dân xem là “cái rốn” giao của khu vực và tầm ảnh hưởng khá lớn vì 2 đầu của đường Đồng Khởi là 2 khu công nghiệp Amata và Thạnh Phú. Không chỉ vậy, nhiều xe ô tô về TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng chọn đường Nguyễn Ái Quốc để đi nên lượng xe qua lại nút giao này càng thêm đông đúc.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,988,441       633