Kinh tế

Một rủi ro trong tranh chấp quốc tế có thể trị giá hàng triệu USD

Là một luật sư có nhiều năm làm việc tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam(VIAC), ông Châu Việt Bắc từng tham gia giải quyết hàng trăm vụ tranh chấp trong mua bán quốc tế cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Ngoài ra, ông còn tư vấn cho không ít DN xuất nhập khẩu tránh được rủi ro thiệt hại hàng triệu USD.

ông Châu Việt Bắc
ông Châu Việt Bắc

Không chỉ là luật sư giải quyết tranh chấp cho DN Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế, ông Bắc còn là chuyên gia tư vấn, tham gia giảng dạy cho các DN Việt Nam ở các tỉnh, thành về những điểm yếu cần tránh khi giao thương. Một khi DN hiểu và chủ động chuẩn bị trước mọi tình huống đưa vào trong hợp đồng giao dịch, nếu không may xảy ra rủi ro thì vẫn có thể giảm được nhiều thiệt hại về kinh tế.

* Không chọn thế yếu để bán hàng

 Thưa ông, DN Việt Nam hiện đã mua bán với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong quá trình giao dịch, thì những vấn đề nào phải chú trọng để tránh xảy ra tranh chấp?

- Hiện nay, các DN Việt Nam đã tham gia giao thương với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, trong mua bán quốc tế, DN nên chú ý ngay từ khâu đầu là kiểm tra, đánh giá thông tin của đối tác để bớt được những rủi ro. DN có nhiều cách để kiểm tra thông tin từ các nguồn, như: tra cứu internet, do đối tác cung cấp, luật sư, công chứng, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hoặc các công ty cung cấp dịch vụ thông tin chuyên sâu và xếp hạng tín dụng DN.

Những thông tin DN Việt cần phải biết về đối tác là: thông tin đăng ký DN, các giám đốc, cổ đông và công ty liên quan; những vụ kiện tụng DN đối tác từng tham gia; tình hình hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, nhận định các rủi ro. Biết rõ các thông tin về đối tác khi giao dịch thương mại, DN sẽ chuẩn bị các bước đàm phán thuận lợi hơn và trong hợp đồng ghi chi tiết rõ ràng từng hạng mục, trách nhiệm của từng bên. DN chú ý ghi cụ thể khi xảy ra tranh chấp sẽ giải quyết bằng luật ở đâu và đơn vị sẽ đứng ra giải quyết.

 Theo ông, vấn đề nào DN Việt Nam hay bị tranh chấp khi tham gia mua bán quốc tế?

- Tranh chấp trong hợp đồng mua bán quốc tế xảy ra với nhiều lý do, nhưng theo tôi tranh chấp nhiều nhất là vấn đề thanh toán, như: đòi tiền đặt cọc do người bán không giao hàng, đòi tiền hàng do người mua đã nhận hàng nhưng không thanh toán.

Phổ biến gần đây có các trường hợp người bán đã giao hàng, người mua đã thanh toán đầy đủ nhưng người thứ ba là người thụ hưởng chứ không phải người bán vì lý do giao dịch đã bị “hacker” (tin tặc) xâm nhập tài khoản các bên sử dụng để lấy cắp thông tin và đề nghị người mua chuyển tiền cho người khác. Mỗi rủi ro trong mua bán hay thanh toán quốc tế có thể gây thiệt hại hàng triệu USD.

Như đã nói ở trên, muốn tránh được những tranh chấp trên, DN có hợp đồng rõ ràng và nơi xử lý đòi lại quyền lợi khi xảy ra rủi ro. Trước khi chuyển tiền, phải kiểm tra thông tin kỹ càng để tránh bị lừa.

 Vì sao các DN Việt Nam luôn yếu thế hơn khi mua bán quốc tế bị tranh chấp? Trong xuất nhập khẩu, DN trong nước đang yếu nhất ở khâu nào?

- Khi bàn về vấn đề yếu thế của DN ta trong tranh chấp mua bán hàng hóa quốc tế, phải nói đến nguyên nhân là từ khâu đàm phán, ký kết hợp đồng. DN trong nước đôi khi vì khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm hay đang cần gấp nguyên liệu để sản xuất thường nhân nhượng, chưa chú ý kỹ đến các điều khoản đối tác đưa ra mà đã vội vã ký hợp đồng. Điều này làm cho DN Việt ngoài việc là bên “yếu thế” còn chấp nhận ký những điều khoản bất lợi hơn. Đây còn là do thói quen đàm phán, ký kết chỉ chú trọng đến các điều khoản thương mại thông thường, như: đối tượng hàng hóa, giá cả, phương thức thanh toán, số lượng, chất lượng… mà chưa thật sự chú trọng để thỏa thuận các loại điều khoản pháp lý, điều khoản tiêu chuẩn để đảm bảo chặt chẽ hợp đồng, bảo vệ quyền lợi của chính DN mình.

Tiếp đến, DN Việt Nam cũng chưa được trang bị kỹ năng giải quyết bất đồng phát sinh trước và sau khi khởi kiện ra cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phân xử. Nếu DN có các kỹ năng tốt, có thể thương thảo với khách hàng để giải quyết các bất đồng thể hiện nguyên tắc thiện chí. Mặt khác, kỹ năng tốt cũng giúp DN Việt Nam khắc phục tối đa thiệt hại và chuẩn bị tốt các chứng cứ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình khi đã khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài.

* Cẩn trọng từ khâu đầu tiên

 Khi xảy ra các tranh chấp, DN nên liên hệ với những đơn vị nào để được hỗ trợ giải quyết tranh chấp nhanh và chi phí thấp?

- Gần đây, trong mua bán quốc tế DN trong nước đã chú trọng nhiều đến việc chọn đơn vị và phương thức để giải quyết các tranh chấp khi phát sinh. Các DN đã quan tâm đến quá trình soạn thảo, ký kết hợp đồng hoặc thậm chí thỏa thuận khi tranh chấp đã phát sinh sẽ chọn tổ chức, luật nào để giải quyết. Trên phương diện pháp luật, Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 398) cũng đã quy định bổ sung so với Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 402) về “phương thức giải quyết tranh chấp” như là một nội dung quan trọng mà các chủ thể khi giao kết hợp đồng được bộ luật khuyến nghị cần đưa và nội dung chính của hợp đồng.

Việt Nam hiện nay có 4 phương thức giải quyết là: thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại và tòa án với ưu nhược điểm của mỗi phương thức là khác nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ đề cập riêng đối với các giao thương quốc tế thì trọng tài thương mại luôn chứng tỏ là một phương thức được ưa chuộng nhất và VIAC cũng là địa chỉ tin cậy khi lựa chọn một tổ chức trọng tài thương mại tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc những vụ tranh chấp quốc tế lựa chọn VIAC xử lý ngày càng nhiều, bởi VIAC xử lý tranh chấp linh hoạt, nhanh, bảo mật, hiệu lực thi hành rộng trên phạm vi quốc tế. Thuê trọng tài Việt Nam giải quyết tranh chấp sẽ rẻ hơn trọng tài quốc tế, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại.

 Trong những tháng đầu năm 2017, số lượng vụ tranh chấp quốc tế VIAC nhận giải quyết ở lĩnh vực nào nhiều nhất?

- Việt Nam ngày càng mở rộng giao thương với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh những thuận lợi, như: thị trường được mở rộng, giao dịch mua bán tăng cao, thì việc tranh chấp cũng xảy ra nhiều hơn. Theo thống kê của VIAC trong những năm gần đây, thì số lượng những vụ tranh chấp trong mua bán quốc tế ngày một tăng. Trong quý I-2017, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa luôn là tranh chấp chiếm tỷ lệ trên 40% các vụ kiện tại VIAC.

 Từng có thời gian dài làm việc tại Đồng Nai, sau đó về VIAC ông cũng tham gia giải quyết không ít vụ tranh chấp cho DN Đồng Nai. Vậy ông đánh giá như thế nào về DN của tỉnh trong xuất nhập  khẩu?

- Theo tôi, tỉnh Đồng Nai luôn là địa chỉ tin cậy để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bởi môi trường kinh doanh của tỉnh luôn được cải thiện trong 3 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm đều tăng cao hơn bình quân của cả nước. Đặc biệt, Đồng Nai từ vị trí một tỉnh có nhập siêu lớn thì 3-4 năm gần đây chuyển thành xuất siêu.  Cụ thể, 4 tháng đầu năm xuất khẩu của Đồng Nai tăng hơn 12%, và trong khi cả nước nhập siêu 2,6 tỷ USD thì tỉnh xuất siêu hơn 400 triệu USD. Trong giao dịch xuất nhập khẩu, các DN Đồng Nai cũng cẩn thận và kỹ càng hơn. Tuy nhiên, vẫn có những DN nhỏ tham gia thương mại quốc tế chưa chú trọng nhiều đến các điều khoản trong hợp đồng ký kết nên còn xảy ra không ít tranh chấp.

 Nhiều năm làm việc tại VIAC, ông có những điều gì trăn trở muốn nhắn nhủ với DN trong mua bán quốc tế?

- Ông bà ta thường nói “cẩn tắc vô ưu”. Do đó, DN Việt khi mua bán hàng hóa quốc tế bên cạnh việc phải trang bị các kiến thức tốt về giao thương quốc tế thì còn phải có kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh trong giao dịch, đặc biệt là phải cẩn trọng trong mọi quá trình từ thương thảo, hình thành, thực hiện hợp đồng để ngăn ngừa tranh chấp bảo vệ tối ưu quyền lợi của mình sau này. Những DN nhỏ khi tham gia đàm phán ký hợp đồng mua bán quốc tế nên tìm những chuyên gia kinh tế hay luật sư am hiểu lĩnh vực của mình để hỗ trợ thông tin, thủ tục để giảm bớt những rủi ro.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,989,132       665