Đắc Lua là một trong những xã miền núi thuộc vùng sâu, xa nhất của tỉnh. Đây từng được xem là vùng "rốn" lũ của huyện Tân Phú. Tuy nhiên, những năm gần đây các dự án nông thôn mới đã thay đổi diện mạo và đưa Đắc Lua thoát khỏi cảnh "ngăn sông cấm chợ" do địa thế biệt lập, đời sống nhân dân được nâng cao.
Đắc Lua là một trong những xã miền núi thuộc vùng sâu, xa nhất của tỉnh. Nơi đây từng được xem là vùng “rốn” lũ của huyện Tân Phú. Tuy nhiên, những năm gần đây các dự án nông thôn mới đã thay đổi diện mạo và đưa Đắc Lua thoát khỏi cảnh “ngăn sông cấm chợ” do địa thế biệt lập, đời sống nhân dân được nâng cao.
Các học sinh Trường THPT Đắc Lua đến trường trên những con đường đã được bê tông hóa. |
Vào đúng dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, cầu Đắc Lua - cây cầu bê tông được người dân địa phương mong đợi hàng chục năm qua đã được khánh thành. Niềm vui tiếp tục được nhân lên với chính quyền và nhân dân xã khi vào cuối tháng 3 -2017, xã Đắc Lua đã chính thức đạt chuẩn nông thôn mới.
* Diện mạo thay đổi
Theo ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, Đắc Lua là một trong 3 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Sự đồng thuận, quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân trên địa bàn là tiền đề để xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Sắp tới, huyện tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cho xã Đắc Lua, đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm… Cầu Đắc Lua được hoàn thành là một trong những động lực giúp xã phát triển trong tương lai. |
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Đắc Lua bắt đầu được triển khai từ năm 2012, đến nay bộ mặt xã đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Toàn xã hiện có 7 công trình thủy lợi, trong đó có 2 trạm bơm điện ở ấp 4 và ấp 10, 3 trạm bơm dã chiến, 1 đê bao ngăn lũ và 1 cống tiêu; 85% tuyến kênh mương nội đồng do xã quản lý đã được kiên cố hóa, đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 800 hécta lúa và hoa màu các loại.
Bà Trần Thị Thu (ở ấp 8, xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) tiến hành kẹp ống ngăn côn trùng thụ phấn cho vườn khổ qua lấy hạt giống của gia đình. |
“Từ năm 2002 đến nay, xã Đắc Lua không còn chịu ảnh hưởng lũ lụt nặng nề như trước kia. Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân xã vẫn không chủ quan đối với công tác phòng chống lũ lụt. Những năm vừa qua, xã đã vận động người dân gieo trồng theo mùa vụ thích hợp, tránh thời điểm lũ về vào khoảng tháng 8-9. Đối với một số hộ ở vùng thấp, xã hỗ trợ vay vốn để người dân nâng nền nhà, chủ động “sống chung với lũ”. Đặc biệt, ấp 4 (khu vực trũng nhất của xã) đã được huyện đầu tư xây dựng khu tái định cư cho 34 hộ dân” - ông Đào Huy Tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Lua, cho biết.
Năm 2012, toàn xã chỉ có 10km đường trục được đổ bê tông. Đến nay, hơn 25km đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa với tổng vốn đầu tư hơn 27,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 7,4 tỷ đồng. Hệ thống đèn chiếu sáng cũng được lắp đặt trên 7km đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Thành Nam, ngụ ấp 4, chia sẻ: “Đường qua nhà tôi trước đây là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội rất khó đi. Từ khi xã tiến hành xây dựng nông thôn mới, diện mạo địa phương thay đổi rất nhiều, nhất là hệ thống đường giao thông kiên cố giúp người dân thuận tiện đi lại, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, nhờ có trạm bơm, kênh mương nội đồng, hiện tại mỗi năm chúng tôi sản xuất được 3 vụ lúa, bắp thay vì chỉ gieo trồng được 1 vụ/năm như trước đây”.
Nhiều mạnh thường quân hỗ trợ Từ năm 2012 đến nay, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới của xã Đắc Lua là hơn 160 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 8,3 tỷ đồng. Một số mạnh thường quân tiêu biểu trong chương trình này như bà Nguyễn Thị Thuần (ấp 12) hiến 200m2 đất để làm đường, trị giá hơn 100 triệu đồng; ông Trần Văn Đô (ấp 8) đóng góp 1 ngàn m2 đất nông nghiệp giúp xã xây dựng cơ sở hạ tầng… |
* Tiến tới xóa hộ nghèo
Đắc Lua là xã có đặc thù sản xuất nông nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực là lúa và bắp. Hiện nay, toàn xã có 380 hécta lúa triển khai thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao. Năng suất lúa, bắp được nâng cao, trung bình mỗi vụ đạt 6 tấn/hécta đối với lúa và 10 tấn/hécta với cây bắp.
Xã còn triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ. Điển hình như việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, bắp kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, trồng khổ qua, bí đỏ… để lấy hạt giống, đem lại thu nhập cao và ổn định hơn cho người dân.
“Nhà tôi đã chuyển đổi 2 sào lúa, bắp sang trồng cây khổ qua lấy hạt giống. Sản phẩm được Công ty TNHH Việt Nông (có trụ sở tại huyện Xuân Lộc) bao tiêu đầu ra với giá 450 ngàn đồng/kg. Mỗi năm trồng 3 vụ, mỗi vụ nhà tôi thu về hơn 40 triệu đồng. Việc trồng cây lấy hạt giống này được tiến hành đúng quy trình và sử dụng các chế phẩm sinh học, đảm bảo theo yêu cầu của công ty” - ông Cao Xuân Tuyên, nông dân ở ấp 8, cho biết.
Nhiều hộ dân trong xã đã ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển sản xuất, như: sử dụng men vi sinh xử lý chuồng trại trong chăn nuôi, công nghệ thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao… Hiện tại, 100% đất trồng cây nông nghiệp của xã đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên theo từng năm, từ 11 triệu đồng/người/năm trong năm 2012 lên 34,9 triệu đồng vào năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 2,7% dân số của xã, giảm 10 lần so với năm 2012.
Ông Đào Huy Tỉnh chia sẻ thêm: “Hiện nay, phần lớn người dân đã có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên đáng kể. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người nhàn rỗi, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xóa hết hộ nghèo. Đồng thời, xã chủ trương hướng tới sản xuất sạch, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho nông sản của xã. Trong năm nay, xã sẽ triển khai mô hình trồng bưởi da xanh, chuối sạch năng suất cao”.
Hải Quân