Như tin đã đưa, chiều 3-5, tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4; phương hướng, nhiệm vụ tháng 5-2017, một trong những vấn đề nóng được tập trung bàn bạc, thảo luận là giải pháp lâu dài hỗ trợ người chăn nuôi...
Như tin đã đưa, chiều 3-5, tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4, phương hướng nhiệm vụ tháng 5-2017 do UBND tỉnh tổ chức, một trong những vấn đề nóng được tập trung bàn bạc, thảo luận chính là giải pháp lâu dài hỗ trợ người chăn nuôi để không còn diễn ra cảnh phải kêu gọi “giải cứu” thịt heo như những ngày qua.
TIN LIÊN QUAN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.THƯ |
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đánh giá trong tháng 4-2017 dù tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhưng giá thịt heo giảm mạnh sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, cần phải tính toán một giải pháp lâu dài để hỗ trợ người chăn nuôi, không để xảy ra tình trạng nông dân “nhờ chăn nuôi mà thoát nghèo, giờ nghèo trở lại vì chăn nuôi”.
Giải pháp lâu dài hỗ trợ người chăn nuôi
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đề nghị tăng cường công tác phòng chống thiên tai, bão lũ khi tháng 5 là bắt đầu mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường. Đặc biệt, ngành nông nghiệp chủ động có dự báo để khuyến cáo người nông dân nắm bắt kịp thời tình hình thời tiết để phục vụ sản xuất, tránh tình trạng thiệt hại nặng nề do thời tiết thay đổi như vừa qua. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh trước khi mùa mưa đến, tránh tình trạng “khi cần nước sản xuất thì hồ không có, nhưng khi hồ có nước thì mưa về nước ngập mênh mông”. |
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết dù ngành nông nghiệp và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã khuyến cáo, nhưng người dân vẫn phát triển đàn heo một cách tự phát.
Toàn tỉnh có đến hơn 1,7 triệu con heo, trong đó có khoảng 300 ngàn con heo đáng lẽ ra phải xuất chuồng nhưng không tiêu thụ được do giá giảm sâu.
Hiện giá thịt heo hơi cao nhất chỉ có 22 ngàn đồng/kg, nông dân lỗ hơn 11 ngàn đồng/kg so với giá thành. Việc mở các điểm bán thịt heo bình ổn giá chỉ là giải pháp tình thế để đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo nhằm hỗ trợ cho người trực tiếp chăn nuôi giảm lỗ, giúp người tiêu dùng mua được thịt heo đúng với giá bán thực tế, mua được sản phẩm thịt an toàn; ngoài mục đích kích cầu còn có tác dụng cảnh báo người chăn nuôi phải sản xuất sản phẩm sạch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng về lâu dài tỉnh phải tập trung triển khai quyết liệt công tác quy hoạch vùng chăn nuôi, tiến hành giảm đàn ở những hộ chăn nuôi ngoài quy hoạch, ngay từ khi heo còn nhỏ; tổ chức sản xuất heo theo chuỗi, tổ chức phân phối ngoài thị trường cho phù hợp…
Theo đó, các siêu thị, trung tâm thương mại mở ra các điểm bán bình ổn thịt heo ở các địa phương trong tỉnh để tăng cường tiêu thụ, vừa bình ổn giá vừa cung cấp heo sạch đến tận tay người tiêu dùng. Để hỗ trợ người chăn nuôi, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần chỉ đạo các ngân hàng trực thuộc có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay đối với hộ chăn nuôi gặp khó khăn.
Tỉnh cũng sẽ làm việc với những doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc để vận động, kêu gọi giảm giá thành… Xa hơn nữa, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh giải pháp xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tổ chức đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng qua việc mở các điểm bán thực phẩm sạch, bình ổn giá tại các chợ truyền thống, các khu công nghiệp; đồng thời thành phố tiếp tục rà soát, dẹp bỏ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trái phép để hạn chế tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn tràn ra thị trường.
Tính đầu ra
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đã đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan có chỉ đạo, hướng dẫn cũng như vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi phải tính toán lại số lượng phát triển đàn heo cho phù hợp; đồng thời phải thay đổi lại cách nhìn, cách đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, trong sản xuất phải tính toán được đầu ra chứ không chỉ tính số lượng như trước đây.
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cũng nhấn mạnh: Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai tiếp tục có khuyến cáo đến người chăn nuôi về hậu quả của việc phát triển đàn tự phát, cung vượt cầu khiến giá giảm sâu, thua lỗ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài việc tập trung xử lý trước mắt đẩy nhanh việc tiêu thụ thịt heo cho người dân, các sở, ngành liên quan phải nhanh chóng tham mưu những giải pháp lâu dài để hỗ trợ nông dân, không thể để xảy ra tình trạng hết “giải cứu” chuối rồi đến “giải cứu” heo như thời gian gần đây. Các ngành tài chính, ngân hàng sớm tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thời tiết thay đổi.
Ngọc Thư (ghi)
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng Theo thông tin từ UBND tỉnh, trong tháng 4-2017 tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, trong đó sản xuất công nghiệp duy trì ổn định, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,54% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 4 tháng đầu năm, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,42%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 0,15% so với tháng trước; lũy kế 4 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 5,2 tỷ USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 13 ngàn tỷ đồng, đạt 32% so với dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ... Xử lý nghiêm các vi phạm về an ninh, trật tự Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đề nghị UBND tỉnh cùng các ngành công an, quân sự chủ động tập trung xử lý các điểm nóng, tiềm ẩn rủi ro về an ninh trật tự cần có lộ trình xử lý kiên quyết, dứt điểm; chú trọng giải pháp giáo dục, tuyên truyền, nếu cần xử lý phải xử lý nghiêm, không buông lỏng. Ngoài ra, UBND TP.Biên Hòa và huyện Long Thành phải tăng cường quản lý diện tích đất đã quy hoạch hoặc chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch ở những tuyến đường nối ra cầu An Hảo (TP.Biên Hòa), ở khu vực thuộc quy hoạch Sân bay Long Thành. |