Trong bối cảnh ngân sách khá hạn hẹp, song bằng các nguồn khác nhau tỉnh vẫn cố gắng để đầu tư hạ tầng giao thông với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trong bối cảnh ngân sách khá hạn hẹp, song bằng các nguồn khác nhau tỉnh vẫn cố gắng để đầu tư hạ tầng giao thông với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Duy tu đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa. |
Các công trình giao thông được đầu tư đều là công trình trọng điểm, có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
* Nhiều cách đầu tư
Tin từ Sở Giao thông - vận tải cho biết đến nay các tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây mới và cải tạo mặt đường được gần 540km, với tổng kinh phí trên 1 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 825 tỷ đồng, số còn lại huy động từ nhân dân đóng góp. |
Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, các tuyến đường trọng điểm mà Đồng Nai đã và đang triển khai đầu tư đã có tổng số vốn lên đến hơn 2 ngàn tỷ đồng. Tính ra mỗi năm các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông đã “ngốn” hết trên 1 ngàn tỷ đồng, đó chưa kể các công trình xây dựng nhỏ hay duy tu sửa chữa khác cũng đến vài trăm tỷ đồng.
Điều đáng chú ý, các dự án này có các hình thức đầu tư đa dạng và linh hoạt mà giai đoạn trước chưa có. Cụ thể, với các dự án ngốn nhiều kinh phí, như: đường 319, 25B, 768, đường nối từ cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K, đường chuyên dùng, hương lộ 2 được đầu tư rất linh động. Các dự án này đã được tỉnh đầu tư bằng cả vốn ngân sách và hình thức kêu gọi BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), thậm chí có cả bóng dáng của đầu tư PPP (công - tư kết hợp, ngân sách hỗ trợ phần giải phóng mặt bằng).
Khi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về dự án BOT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã lý giải, có những dự án tỉnh phải hỗ trợ nhà đầu tư về giải phóng mặt bằng để đảm bảo suất đầu tư không bị vượt theo tính toán, nhà đầu tư có khả năng thu hồi vốn. Theo đánh giá của Sở Giao thông - vận tải, trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn như hiện nay, việc huy động các nguồn lực từ xã hội là rất cần thiết. Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, phân tích: “BOT là kênh huy động vốn tốt nhưng hiện nay các nhà đầu tư không còn mặn mà. Về tương lai, chỉ còn 2 phương án là BT bằng đất (đổi đất lấy công trình) hoặc PPP mới thu hút được nhà đầu tư”. Quả thực, chỉ 3 dự án BOT là: đường 768, đường 319 và đường chuyên dùng đã chiếm tới 1,3 ngàn tỷ đồng. Nếu không linh hoạt trong huy động vốn thì ngân sách khó mà cáng đáng nổi, trong khi nhu cầu xã hội ngày một “nóng”.
* Khởi động dự án vốn khủng
Không chỉ đầu tư hàng ngàn tỷ cho các tuyến đường trọng điểm dân sinh, giai đoạn qua Đồng Nai còn có những dự án phục vụ riêng cho phát triển kinh tế và “gánh” bớt áp lực cho các tuyến đường chính khác.
Đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong tỉnh ngày một tăng, vì vậy nhu cầu xây dựng những tuyến đường trọng yếu để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp càng bức thiết. Chỉ tính riêng 2 tuyến đường mà nhà đầu tư đang gấp rút để khởi công sớm ở Nhơn Trạch là đường vành đai 3 và đường liên cảng cũng đã chiếm một lượng vốn khổng lồ.
Dự án xây dựng đường vành đai 3 đoạn đi qua huyện Nhơn Trạch theo kế hoạch của nhà đầu tư (Tổng công ty Cửu Long) sẽ khởi công vào cuối năm nay, vốn của dự án lên đến hơn 4,4 ngàn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Hàn Quốc và tỉnh sẽ phải lo nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng cho dự án cũng tốn vài trăm tỷ đồng. Tuyến đường này được xem là mở cửa ngõ Tây - Nam cho Nhơn Trạch, đặc biệt là kết nối với TP.Hồ Chí Minh.
Riêng đường liên cảng ở Nhơn Trạch là nhằm đánh thức cả một chuỗi cảng ở Nhơn Trạch hiện còn tắc nghẽn về giao thông. Đường kết nối 15 cảng đã và đang được đầu tư theo quy hoạch cảng biển nhóm 5 đi qua các xã: Đại Phước, Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh và Vĩnh Thanh. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, tổng vốn đầu tư của dự án trên 6,35 ngàn tỷ đồng, riêng vốn cho giai đoạn 1 cần gần 2,9 ngàn tỷ đồng. Công trình này được Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa vào danh sách một trong những dự án điểm về PPP để thu hút đầu tư hạ tầng giao thông sau này.
Quốc Khánh