Kinh tế

Ông Đặng Văn Điềm - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai: Thế hệ chúng tôi may mắn sống trong hòa bình

Ông Đặng Văn Điềm sinh năm 1975, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và kinh doanh một số doanh nghiệp thuộc các ngành: dịch vụ xuất - nhập khẩu, vận tải, ăn uống... Khởi đầu sự nghiệp chỉ với tấm bằng tốt nghiệp cấp 2, quá trình làm thuê, khởi nghiệp, mở rộng làm ăn cũng là thời gian ông miệt mài học và tự học.

Ông Đặng Văn Điềm
Ông Đặng Văn Điềm

Từ tấm bằng bổ túc văn hóa cấp 3 đến khi tốt nghiệp Trường đại học ngoại thương, và ở tuổi 42 ông vẫn chưa ngừng việc học.

Ông Điềm chia sẻ, thế hệ ông được coi là thế hệ “giao thời”, không phải nếm trải “mùi vị” chiến tranh thời tuổi trẻ cũng chưa được hưởng thụ nhiều thành quả của hòa bình, điều kiện học hành hạn chế. Trưởng thành giữa bối cảnh đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, thế hệ 7X mang trên vai trách nhiệm đưa đất nước phát triển và bước đầu hòa nhập với thế giới - vốn đã và đang có những đổi thay rất lớn. Đi cùng với những đổi thay đó, những người thuộc thế hệ 7X ngày nào nay đã trở thành lớp người có trách nhiệm dẫn dắt thế hệ sau trong một “cuộc chiến” không kém phần gay cấn: đưa Việt Nam trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” và từng bước đưa Việt Nam phát triển cao hơn, bắt đầu bằng kinh tế.

* Không có đường tắt trong chuyện học

Tôi thấy mình chưa phải là người thành công và ở vị trí hiện tại, tôi chỉ cố gắng đóng góp những gì mình có thể, đó là góp phần tạo nên một môi trường có sự kết nối, sẻ chia giữa các thế hệ doanh nhân, các ngành nghề khác nhau... để lớp doanh nhân trẻ Đồng Nai có những tiếng nói nhất định với cộng đồng. Những bậc đàn anh đi trước của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai như anh Trần Bá Dương, anh Phạm Đức Bình đã dày công tạo cho chúng tôi một môi trường, một tổ chức có nền tảng tốt, bền vững và anh em chúng tôi vẫn đang nỗ lực để Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có những đóng góp sâu hơn với cộng đồng, với giới trẻ. Đó cũng là một trong những cách mà thế hệ chúng tôi mong muốn đóng góp cho đất nước, dù đóng góp đó nhỏ nhoi thôi.

 Ông luôn tự nhận mình có một xuất phát điểm rất thấp và là người “chưa có gì nhiều để gọi là thành công”. Song câu chuyện của ông cũng tạo được cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khi có dịp tiếp xúc. Ông có thể chia sẻ về điều đó?

- Tôi xuất thân nhà nghèo, cha mẹ làm nông ở xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú. Điều kiện gia đình hạn chế nên tôi chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ, xin đi học trường nghề. Sau vài năm, tôi ra trường và đi làm thuê, và trong thời gian đó tôi cố gắng vừa làm vừa học bổ túc văn hóa ban đêm để hoàn tất chương trình cấp 3. Làm công việc chân tay thêm ít lâu nữa thì tôi được nhận vào một công ty dịch vụ xuất nhập khẩu của người quen. Lúc đó tôi liều thôi, bởi dịch vụ xuất nhập khẩu đòi hỏi ít nhất cũng phải có trình độ cao đẳng với chuyên ngành liên quan. Tôi làm ngày, học đêm, những đoạn nào bằng tiếng Anh thì nhờ dịch ra rồi học thuộc. Liên tục như thế thì cũng làm được việc, rồi được tăng lương, rồi mở công ty riêng.

 Ông gặp phải những khó khăn nào khi khởi nghiệp?

- Khi mở công ty riêng, tôi đối mặt với nhiều khó khăn và một trong những khó khăn lớn nhất là nhân viên không tin vào năng lực của mình. Tôi buồn, song nhận thấy họ không tin là đúng. Vậy nên tôi không ngừng học, vừa làm vừa đăng ký thi và học Trường đại học ngoại thương hệ tại chức, vừa học thêm các chứng chỉ và khóa học ngắn cần thiết vì nhận ra mình thiếu nhiều thứ quá: kỹ năng quản trị, quản lý tài chính, nghiệp vụ chuyên sâu... Nếu nói chỉ cần biết làm là đủ thì với tôi là sai, vì có những thứ mình mày mò mất hàng tháng trời nhưng đến khi học mới biết hóa ra đó là những kỹ năng cơ bản đã được dạy trong những giáo trình đầu tiên.

Về thất bại thì tôi thất bại nhiều, dù không phải là những thất bại quá lớn vì quy mô các công việc kinh doanh của tôi cũng bình thường. Tôi từng sản xuất đồ uống, kinh doanh vận tải... và bỏ kha khá vốn liếng vào ngành này, ngành nọ vì ý nghĩ ban đầu chủ quan, đơn giản, song đều thất bại. Sau đó, tôi nghiệm ra ý tưởng chỉ là một khía cạnh nhỏ trong câu chuyện khởi nghiệp thành công. Khó mà thành công nếu không trả lời được những câu hỏi căn bản nhất khi khởi nghiệp: làm cái gì? Bán cho ai? Bán như thế nào?

 Ông nghĩ thế nào về việc “bỏ học để khởi nghiệp” như một số quan niệm của bạn trẻ bây giờ? Nghĩa là hoàn toàn “dấn thân” vào khởi nghiệp mà không mất thời gian nhiều trên ghế nhà trường?

- Cho đến giờ này tôi cũng không phải là người giỏi về học vấn, không có bằng cấp gì cao siêu và những gì tôi có được cũng phải trả giá nhiều. Chính vì vậy, câu chuyện tôi chia sẻ không phải là câu chuyện của một người thành công, mà là câu chuyện của một người đã vấp nhiều thất bại. Do đó, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải học những kiến thức cơ bản, nền tảng tại trường đại học, nên đi làm thuê và không ngừng học hỏi trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. Không chạy theo bằng cấp một cách máy móc và mù quáng, nhưng cũng phải chứng tỏ được giá trị bản thân và nền tảng học hành của mình trước khi khởi nghiệp. Bởi đối tác, khách hàng lấy gì để đặt niềm tin khi  mình không có trong tay điều gì cả?

Với những gì đã trải qua, tôi nghĩ rằng không có đường tắt trong chuyện học, phải bắt nguồn từ những thứ nền tảng và căn bản nhất, rồi lên cao từ từ. Vậy nên tôi không bao giờ dám khuyến khích các bạn trẻ bỏ học và khởi nghiệp, bởi theo quan sát của tôi thì những câu chuyện bỏ học làm giàu có tỷ lệ thành công rất ít.

* Tôi mong các bạn trẻ đừng “lười”

 Ông có cái nhìn ra sao với những người thuộc thế hệ 7X như ông? Ông nghĩ thế hệ 7X có những may mắn và thiệt thòi gì?

- Thiệt thòi thì thấy khá rõ. Đó là chúng tôi sinh ra ngay khi đất nước vừa qua một cuộc chiến tranh dài, kiệt quệ về mọi thứ và cha mẹ chúng tôi phải đấu tranh, phải lao động cật lực mới có cái ăn. Ăn uống đã khó thì điều kiện học hành còn khó hơn, những đứa trẻ ở quê như chúng tôi chỉ biết mặt chữ, gần như không tiếp cận được ngoại ngữ và các kỹ năng khác như các thế hệ sau. Mặc dù vậy, đây có lẽ cũng là may mắn, bởi từ đó trang bị cho chúng tôi suy nghĩ và quyết tâm vượt khó lớn lao. Đầu tiên là vượt khỏi mảnh ruộng và lũy tre làng, sau mới tính đến những việc đóng góp cho xã hội, nhưng ở việc nào chúng tôi cũng “lì lợm” và quyết tâm hơn. Nhưng tôi nghĩ, thế hệ nào cũng có những yếu tố “dễ” và “khó” đặc thù, quan trọng nhất là tìm cách vượt qua những trở ngại để tận dụng tốt hơn những thuận lợi mà mình có.

 Ở cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, ông và các thành viên trong Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Đồng Nai. Vậy theo ông, điều gì là quan trọng để một dự án khởi nghiệp được cấp vốn?

- Dĩ nhiên đầu tiên phải là ý tưởng, nhưng ngay sau đó là việc làm sao để một ý tưởng kinh doanh có thể “sống” được, vẫn là những câu hỏi như làm gì? Bán cho ai? Bán thế nào? Đến nay, Hội mới chỉ hỗ trợ vốn cho 3 dự án khởi nghiệp và các bạn vẫn đang chạy dự án khá tốt. Chúng tôi ngồi ghế tư vấn, giám khảo... cho nhiều dự án khởi nghiệp, chủ yếu là các bạn trẻ và thấy rằng chúng tôi mong các bạn có thêm trải nghiệm trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. Cũng đừng nghĩ khởi nghiệp là điều gì đó lớn lao, đấy chẳng qua chỉ là khởi sự một công việc làm ăn thôi.

Và theo tôi, khởi nghiệp không nhất thiết chỉ dành cho người trẻ, bởi khởi nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố: kiến thức, vốn liếng, kinh nghiệm, quan hệ, xử lý tình huống, vốn hiểu biết về con người và xã hội… Mà nói thật lòng, những yếu tố đó không phải một sớm một chiều mà có, không thể có sẵn ngay khi các bạn còn trên ghế nhà trường, chúng chỉ có được qua những lần sai lầm, trải nghiệm, trả giá.

 Có điều gì ông muốn chia sẻ thêm với những bạn trẻ khi bước chân vào kinh doanh, khởi nghiệp?

- Nếu được, tôi mong các bạn đừng lười biếng. Nhiều bạn được gia đình cho vốn liếng làm ăn, nghĩ đó là khởi nghiệp. Nhưng không phải, làm chủ khó hơn gấp trăm lần làm thuê. Muốn bán được hàng, các bạn phải là người bạc mặt đi chào hàng, thuyết phục nhà đầu tư, tìm hiểu ngọn ngành từ khâu kế toán qua khâu quản trị và chấp nhận thất bại, làm lại. Tôi ít khi gặp câu chuyện thành công nào suôn sẻ từ đầu, ai cũng phải trả giá cho thành tựu cả. Vậy nên hãy cứ khởi nghiệp đi, nhưng đừng bao giờ lười học hỏi, lười va chạm, lười trả giá cho công việc của mình.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,997,860       565