Kinh tế

Đam mê điêu khắc đá

Dù đã ở tuổi 62, ngày ngày ông Trần Văn Luyến (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) vẫn thong thả đạp xe đạp đến Cơ sở Trương Thiên Phong cách nhà chưa đến 1km để làm việc. Đức tính nổi bật của người thợ già này là niềm say mê lao động.

Ngày ngày, người thợ già Trần Văn Luyến vẫn tỉ mỉ hoàn thiện những tác phẩm điêu khắc đá. Ảnh: Lê Quyên
Ngày ngày, người thợ già Trần Văn Luyến vẫn tỉ mỉ hoàn thiện những tác phẩm điêu khắc đá. Ảnh: Lê Quyên

Cũng nhờ đức tính ấy, dù là người khiếm thính bẩm sinh nhưng ông đã trở thành một trong những người thợ cả gạo cội, luôn đạt mức lương cao của cơ sở điêu khắc đá. Ông cũng đã được phong tặng danh hiệu thợ giỏi trong ngành thủ công của tỉnh Đồng Nai. Như cái tên Luyến của mình, ông luôn giữ được nét mặt vui tươi, luôn yêu đời, yêu lao động. Bị khuyết tật, ông gặp rất nhiều hạn chế trong giao tiếp với mọi người, nhưng tính ông rất hòa đồng, rất vui chuyện. Và tấm lòng ấy được ông gửi gắm trong những tác phẩm của mình.

Những người thợ làm chung cơ sở điêu khắc đá với ông nhận xét: “Bác Luyến có độ cảm rất tốt về cái hồn của đá nên thường phụ trách khâu hoàn thiện sản phẩm, công đoạn cần chăm chút đến từng chi tiết để tác phẩm sinh động, có hồn”. Đó cũng là cách mà người thợ già cả đời im lặng cần mẫn bên từng khối đá ấy gửi thông điệp của riêng mình đến với mọi người. 

Thời trẻ, ông cũng từng bôn ba lên TP.Hồ Chí Minh xin vào làm thợ ở các cơ sở nghề thủ công để kiếm sống và học nghề. Khi lập gia đình, ông quyết định về quê ở Trảng Bom và từ đó gắn bó với nghề điêu khắc đá. Vợ ông cũng là người khiếm thính nhưng nhờ cùng chăm chỉ lao động nên họ vẫn xây được căn nhà khang trang, nuôi được các con vào đại học. Dù bây giờ ông bà đều đủ điều kiện về vật chất và đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng ngày ngày ông vẫn đến cơ sở điêu khắc đá, vợ ông thì cần mẫn bên chiếc máy may. Tuổi lớn, theo cái nghề vất vả nhưng ông Luyến vẫn cười vui vẻ: “Khi nào còn sức tôi vẫn còn điêu khắc đá, vì nó không chỉ đem lại thu nhập mà còn là nguồn vui sống của mình”.

Lê Quyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,999,391       607