Kinh tế

Ông Cường "cao su"

Là một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cao su, nhựa cho ngành công nghiệp, ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, huyện Long Thành) cho biết, những năm gần đây lĩnh vực này có chiều hướng phát triển khá tốt.

Ông Trương Quốc Cường đang chia sữa hộp cho trẻ em đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong chuyến đi cứu trợ cuối năm 2016.
Ông Trương Quốc Cường đang chia sữa hộp cho trẻ em đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong chuyến đi cứu trợ cuối năm 2016.

* Áp lực về nguyên liệu

Hơn 30 năm vật lộn với ngành cao su, nhựa kỹ thuật, Công ty TNHH Tương Lai đã có bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực này. Ông Cường cho hay, ngành sản xuất cao su kỹ thuật phức tạp hơn so với sản xuất sản phẩm cao su tự nhiên gia dụng, bởi sản phẩm cao su này có những mã hàng phải chịu được dầu, nhớt, nhiệt độ cao. Ông Cường cho biết để đảm bảo chất lượng như khách hàng yêu cầu, ông đã phải đầu tư cả phòng thí nghiệm sản phẩm.

Phần lớn sản phẩm cao su, nhựa do Công ty TNHH Tương Lai sản xuất đều theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô trong và ngoài nước. Khách hàng của công ty ông Cường là những hãng xe lớn, như: hãng xe Peugeot, Trường Hải, Vespa…  nên áp lực về tiêu chuẩn của khách hàng đòi hỏi khá gắt gao. Để đáp ứng được, ông phải tập trung đầu tư khá nhiều cho đội ngũ công nhân kỹ thuật và thay đổi máy móc. Có những sản phẩm chỉ nhỏ như chiếc tăm đến những sản phẩm lớn, ông đều đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. Mỗi năm công ty ông sản xuất vài triệu sản phẩm các loại, 75% cung cấp cho thị trường trong nước, còn lại 25% là xuất khẩu ra nước ngoài. Ông Cường cũng cho hay, mặc dù thời gian qua giá cao su thiên nhiên trong nước xuống khá thấp, trong khi tỷ trọng mặt hàng sản xuất bằng cao su của công ty ông chiếm tới 80% nhưng vẫn không mang lại được lợi nhuận nhiều bởi cao su nguyên liệu phải nhập khẩu. Đây cũng là điểm khó của doanh nghiệp. 

* Biến đối thủ thành đối tác

Ông Cường kể, 4 năm trước công ty ông đã lỡ một khách hàng khá lớn là Công ty sản xuất xe ô tô Ford đến đặt hàng với số lượng lớn, tuy nhiên khi khảo sát nhà máy không đáp ứng nổi. Theo ông Cường, trong làm ăn cần phải hợp tác mới phát triển được. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là biến cả đối thủ một tập đoàn lớn của nước ngoài trong lĩnh vực này thành đối tác làm ăn lâu dài. Dự án “duyên nợ” này đang được ông cùng đối tác chuẩn bị triển khai một dự án nhà máy cao su kỹ thuật tại Quảng Nam với diện tích 10 hécta. Chuyện đó xuất phát từ việc ông đã giới thiệu cả khách hàng lớn của mình cho đối tác mà không e ngại bị “cướp” mối hàng.

“Với uy tín của doanh nghiệp tôi không sợ chuyện đó, khách hàng luôn tin là công ty tôi cung cấp cho họ sản phẩm tốt và giá hợp lý nhất. Sau khi thấy công ty tôi chuyên nghiệp từ sản xuất đến kinh doanh nên “đối thủ” đã chuyển thành đối tác làm ăn” - ông Cường nói. Không chỉ xây dựng thêm nhà máy ở Quảng Nam, tại Long Thành ông cũng tiếp tục mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trước mắt của một số khách hàng Nhật Bản đang dịch chuyển mua hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Năm 2016, doanh thu của công ty ông đã lên đến hơn 60 tỷ đồng.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,006,849       124