Kinh tế

Dựng chòi "rước" dơi về ở

Gần 4 năm nay, nhiều hộ dân ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đã xây dựng những chòi cao để thu hút dơi về sinh sống. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường và giúp phòng trừ một số dịch bệnh ở địa phương.

Chòi nuôi dơi của ông Phan Văn Minh (ấp 4, xã Phú Lý).
Chòi nuôi dơi của ông Phan Văn Minh (ấp 4, xã Phú Lý).

Dơi được nuôi ở đây là loài dơi muỗi, tên khoa học là Vespertilio. Loài dơi này chỉ ăn muỗi, bướm, rầy, thiêu thân... và không phá hại cây trồng như các loại dơi khác (dơi quạ, dơi chó, dơi sen...).

* Nhập lá thốt nốt về làm chòi

“Dũng sĩ” diệt muỗi

Bác sĩ Hồ Văn Hoài, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương, cho biết: “Mỗi ngày một con dơi muỗi có thể ăn được 5 ngàn con muỗi cũng như các loại côn trùng khác. Nuôi dơi diệt muỗi mang lại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, giảm chi phí, công sức cho việc phòng chống các dịch bệnh do muỗi làm trung gian truyền bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, sốt rét, Zika, viêm não Nhật Bản, bệnh sốt vàng da, phù chân voi…”.

Hiện nay, chương trình nghiên cứu về dơi ở một số tỉnh phía Nam, trong đó có nhiều khu vực ở Đồng Nai cũng đang được tiến hành nhằm thu thập dữ liệu về dơi, xác định lợi ích của dơi với môi trường và nông nghiệp, mở ra hướng bảo vệ, quản lý đàn dơi hiệu quả thông qua các phương pháp khoa học. Chương trình do nhóm chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học (Viện Hàn lâm khoa học Sinica, Đài Loan), Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam) và bộ môn sinh thái - sinh học tiến hóa (Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) phối hợp thực hiện.

Khoảng 4 năm trước, trong một chuyến đi thực tế ở tỉnh Tiền Giang, ông Phan Văn Minh (ấp 4, xã Phú Lý) được tham quan mô hình dựng chòi nuôi dơi ở đây, từ đó nuôi ý tưởng áp dụng mô hình này trên chính vườn cây hơn 6 hécta của mình.

“Không phải ai dựng chòi lên thì dơi sẽ về mà phải tìm hiểu kỹ tập tính, thói quen của loài dơi muỗi và thêm chút “mát tay” mới có thể dụ được. Dơi muỗi có nhiều “đối thủ”, như: rắn, cú mèo, diều hâu, tắc kè... Loài dơi này lại có khả năng tự bảo vệ thấp hơn các loài dơi ăn quả, thường dè dặt, trú ẩn trong những nách lá, trong đó lá thốt nốt là lựa chọn ưa thích của chúng, bởi sóng lá cứng, tạo nhiều kẽ hở vừa đủ để dơi ở và trốn kẻ thù” - ông Minh chia sẻ.

Sau chòi dơi đầu tiên thử nghiệm thành công ở vườn cây ông Minh, một số hộ khác ở địa phương, như: ông Nguyễn Văn Sáu (ấp 1), bác sĩ Hồ Văn Hoài (hiện là Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu)... cũng áp dụng và xây dựng các chòi nuôi dơi. Toàn xã hiện có 4 hộ nuôi với 6 chòi nuôi dơi.

Các chòi nuôi dơi ở xã Phú Lý hiện được đầu tư kiên cố, chân móng bằng bê tông, cột kiềng và đà bằng sắt, có lưới phủ giữa chòi để thu phân dơi và lợp tôn bảo vệ phía trên. Chi phí đầu tư mỗi chòi từ 80-140 triệu đồng. Chòi có diện tích nền để thu hoạch phân là 7x15m, trong đó phần sàn chuồng kiên cố có diện tích 4x12m, cao 12m.

Mỗi chòi cần từ 2,5-3 ngàn lá thốt nốt đan lại thành hàng để dơi sinh sống. Mỗi thiên lá (1 ngàn lá) được mua từ miền Tây hoặc Campuchia, giá khoảng 14 triệu đồng. Ngoài ra, khoảng cách giữa các cột trụ của chòi cần phù hợp để dơi có “đà” bay vào, bay ra và tiết kiệm chi phí xây dựng.

* Nhiều lợi ích nhưng khó nhân rộng

Thành phần hóa học của phân dơi bao gồm: ure, acid uric, vitamin A, kali, đặt biệt là hàm lượng phốt pho rất cao… dùng để bón cây ăn quả giúp cây cho nhiều trái mà không làm hại cây, hại đất. Phân dơi có thể bón cho hầu hết các loại cây trồng. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, hiện nay nhu cầu về phân dơi rất lớn nhưng nguồn cung lại có hạn. Giá phân dơi khô khoảng 50 ngàn đồng/kg. Người nuôi dơi chủ yếu chỉ phải lo vốn đầu tư ban đầu, không tốn chi phí chăm sóc, nguồn thức ăn cho dơi.

Mỗi chòi dơi ở đây cho thu hoạch từ 10-35kg phân/ngày, trung bình mỗi năm thu được 3-5 tấn phân/chòi. Lượng phân này hiện chỉ đủ để các hộ nuôi dơi sử dụng trực tiếp tại vườn nhà nên chưa cung cấp ra thị trường. Nhờ nuôi dơi lấy phân, các nhà vườn tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Dơi là loài hoang dã nên người nuôi không chủ động được về nguồn con giống. Tập tính của dơi là sống theo bầy đàn, dơi khá thông minh nên thường chọn “nhà” tiện nghi hơn để trú ngụ. Vì vậy, kỹ thuật về xây dựng, vệ sinh chòi nuôi và cách chăm sóc đàn dơi đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự thành bại của mỗi mô hình. Hơn nữa, nếu phát triển mật độ chòi nuôi quá nhiều thì người nuôi dễ gặp cảnh chia đàn, thiếu thức ăn cho dơi” - bác sĩ Hoài lưu ý.

Theo ông Phan Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý, xã khuyến khích thực hiện mô hình này vì những lợi ích về kinh tế, môi trường, phòng chống dịch bệnh do mô hình mang lại. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình không hề dễ bởi vốn đầu tư ban đầu lớn, đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật cao và người nuôi phải có kinh nghiệm mới thành công.

Hải Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,330,295       64