Kinh tế

Khởi nghiệp thành công không dễ

Phong trào khởi nghiệp tại Đồng Nai cũng khá sôi động: mỗi tháng có khoảng 200 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới. Song để DN hoạt động hiệu quả và dần lớn mạnh là việc làm không mấy dễ dàng.

Những doanh nghiệp mới khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2017.
Những doanh nghiệp mới khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2017.

Cuối tháng 3 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã có buổi gặp gỡ với các DN và sinh viên trường đại học trên địa bàn tỉnh để chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp thành công. Diễn giả của chương trình đều là chủ những DN thành công, có tên tuổi trên thị trường.

* Cần ý chí, nghị lực

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hứa trong thời gian tới sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho phong trào khởi nghiệp. Tỉnh sẽ luôn đồng hành với DN để gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính, thuế, hải quan, đất đai, vốn”. Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý khi DN gặp vướng mắc có thể phản ánh trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để được tháo gỡ kịp thời, vì DN hoạt động kinh doanh hiệu quả sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của tỉnh.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, cho hay: “Khởi nghiệp phải đi liền với ý chí, nghị lực để khi gặp khó khăn có thể vượt qua và luôn kiên định với những ý tưởng mình đã lựa chọn. Đồng thời, khởi nghiệp không chỉ là khởi đầu của kinh doanh mà phải gắn với lập thân, lập nghiệp và làm một việc gì đó tốt hơn, có trách nhiệm với xã hội”. Cũng theo ông Dương, ông lập nghiệp từ một cơ sở nhỏ. Nhưng với đam mê nghề, luôn học hỏi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, công ty đã dần lớn mạnh. Để trở thành “vua ô tô” như hiện nay, ông Dương trải qua rất nhiều khó khăn, đôi khi phải hy sinh rất nhiều thứ. Vì một DN muốn lớn mạnh thì người chủ phải biết cân đối, thay đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp, có kế hoạch phát triển ngắn hạn, dài hạn và đặt ra những mục tiêu khắt khe để vượt qua mới phát triển bền vững được.

Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, lúc đó ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, phải bắt đầu từ nhiều cái “không”: không vốn, không kinh nghiệm, không có học vấn. Nhưng với quyết tâm, nghị lực và đam mê, ông Điềm đã tự học hỏi vươn lên trở thành DN chuyên về logistics có uy tín.

“Lúc tôi khởi nghiệp chỉ là một thanh niên có trình độ học vấn lớp 9. Do xuất phát điểm thấp nên tôi bắt đầu bằng cách vừa học văn hóa, chuyên môn vừa làm. Khi đã có vốn kiến thức, chuyên môn và tích lũy được những kinh nghiệm, tôi bắt đầu mở rộng công ty. Ngoài những yếu tố trên, tôi nghĩ DN muốn hoạt động tốt phải luôn giữ chữ tín với khách hàng” - ông Điềm nói.

* Sản phẩm chất lượng

Theo một số DN khởi nghiệp tại Đồng Nai đã thành công và được người tiêu dùng cả nước tín nhiệm thì sau khi thành lập DN, yếu tố quyết định lớn đến sự tồn tại và lớn mạnh là sản phẩm làm ra phải đảm bảo an toàn, giá cạnh tranh. Quá trình hoạt động DN nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình. DN có thể thay đổi, cân đối, mở thêm những lĩnh vực hoạt động khác để lấy ngắn nuôi dài.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, chia sẻ: “Tôi lập nghiệp từ nghề nuôi heo. Bên cạnh việc đảm bảo sản phẩm an toàn, giá rẻ hơn các trại khác thì nghĩ đến việc bán ở đâu để có đầu ra ổn định và chủ động được giống, thức ăn. Với suy nghĩ này, tôi mở rộng sang sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi có những thời điểm rơi vào khủng hoảng, nhiều DN thua lỗ lớn nhưng tôi vẫn vượt qua sóng gió và phát triển là nhờ mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác là bất động sản”. Thực tế, rất nhiều DN trong quá trình hoạt động thường mở rộng thêm nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác để hỗ trợ thêm cho ngành chính mình lựa chọn ban đầu. Đây là một trong những thay đổi giúp DN trụ vững trên thị trường để lớn mạnh.

Theo một số chuyên gia kinh tế, một trong những hạn chế rất lớn của DN vừa và nhỏ Việt Nam là tính liên kết thấp, thường mạnh ai nấy làm. Đôi khi các DN trên cùng lĩnh vực còn cạnh tranh không lành mạnh, phá giá lẫn nhau dẫn đến tất cả cùng khó khăn, ngày một nhỏ đi và dễ bị DN nước ngoài thâu tóm. Ông Đặng Văn Điềm cho biết: “Việt Nam đã tham gia vào hội nhập sâu, DN muốn phát triển bền vững và lớn mạnh dần thì phải liên kết chặt chẽ với nhau. Làm ăn đơn lẻ, chụp giật, cạnh tranh không lành mạnh thì khó tồn tại lâu dài”.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,017,563       94