Kinh tế

Cả đời tôi chung thủy cùng cây lúa

Ông Đặng Đức Thuận là một trong những người đi tiên phong của Đồng Nai thực hiện mô hình cánh đồng lớn cho cây lúa từ năm 2015. Đây cũng là năm ông hợp tác thành lập Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản.

Ông Đặng Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kim Đồng Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận
Ông Đặng Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kim Đồng Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận

Từ năm 2016 đến nay, hàng tấn gạo không hóa chất của doanh nghiệp đã xuất khẩu tốt sang thị trường Đài Loan và nhiều đối tác là doanh nghiệp Nhật Bản cũng quan tâm đến dòng sản phẩm này. Doanh nghiệp cũng đã mở được 9 đại lý cung cấp gạo không hóa chất trên cả nước và mạng lưới này đang tiếp tục lan rộng ra khắp các tỉnh, thành.

Sản phẩm gạo không hóa chất của Kim Đồng Thuận đã đoạt cúp vàng và bằng khen “Sản phẩm tin cậy - dịch vụ hoàn hảo - nhãn hiệu ưa dùng năm 2016”. Đây là giải thưởng uy tín do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo đồng tổ chức. 

* Nông dân có máu làm ăn lớn

 Ông có thể chia sẻ về quá trình lập nghiệp của mình từ đôi bàn tay trắng để tích lũy được cơ ngơi với diện tích hàng chục hécta đất sản xuất?

- Quê gốc của tôi ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Sau một thời gian là bộ đội biên phòng, tôi về làm việc cho xí nghiệp chế biến gỗ tại địa phương. Giai đoạn Đồng Nai xây dựng thủy điện Trị An, tôi thường về vùng này thu mua gỗ. Năm 1988, tôi đến xã Phú Điền (huyện Tân Phú) theo lời rủ của một người bạn. Đây là vùng đất “khỉ ho cò gáy”, lao động chỉ dựa vào cán dao, cái cuốc nên sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hợp tác xã lại hoạt động kém hiệu quả nên mọi người bỏ vùng kinh tế mới này trở về TP.Hồ Chí Minh rất nhiều. Những người bỏ đi giao đất lại cho tôi, một phần do tôi khai hoang nên dần dần tích lũy được 56 hécta đất ruộng.

Tôi là người đầu tiên đưa máy móc xuống vùng ruộng Phú Điền này. Nhờ có diện tích đất rộng nên tôi đã “kéo” được đội cơ giới từ miền Bắc vào với cả chục cái máy cày, máy cuốc về Phú Điền cùng làm lúa. Vài năm sau khi đội cơ giới giải thể, tôi bỏ tiền mua máy móc dù lúc đó 1 chiếc xe cuốc giá gần 150 triệu đồng trong khi giá vàng chỉ hơn 400 ngàn đồng/chỉ. Tôi cũng tự bỏ tiền làm đường vào tận cánh đồng theo kiểu thuê xe chở lúa ra lại chở đất đá trở vào đổ lên cải tạo đường. 

 Từng là nông dân kiên quyết không vào hợp tác xã thời đi kinh tế mới, ông nghĩ gì khi đứng ra vận động và thành lập Hợp tác xã Đồng Thuận?

- Thời đi kinh tế mới, ai cũng vào hợp tác xã nhưng tôi không theo vì thấy có quá nhiều ràng buộc, hoạt động lại kém hiệu quả. Nhưng năm 2014, tôi đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã Đồng Thuận, khởi đầu với các dự án cánh đồng lớn cho cây lúa và chuối già xuất khẩu. Vì vào giai đoạn hội nhập hiện nay, nông dân phải nghĩ đến chuyện làm ăn lớn. Hợp tác xã chính là đầu mối liên kết, giúp nông dân “chung mua, chung bán”. 

 Được cho là người luôn đi tiên phong trong ứng dụng cái mới vào sản xuất, ông đã trả những cái giá nào cho “máu”  mạo hiểm của mình?

- Tôi là người có máu làm ăn lớn và đến nay vẫn đang phải trả giá cho máu mạo hiểm của mình. Mô hình đầu tiên tôi làm là trồng lúa kết hợp nuôi hàng ngàn con vịt đẻ. Trận cúm gia cầm năm 2006 tôi mất trắng đàn vịt, nợ hơn 1,5 tỷ đồng. Vợ tôi phải chạy chợ kiếm gạo ăn hàng ngày cho gia đình. Những ngày tháng khó khăn nhất đó, tôi chưa từng bán 1 tấc, 1 sào đất nào. Tôi lại huy động người quen, mỗi người góp một tay để đầu tư ao nuôi tôm càng xanh. Khi tôm càng rớt giá, tôi lại xoay qua nuôi con ba ba. Mỗi một lần chuyển đổi là một lần khó khăn nhưng tôi vẫn bám ruộng, bám vườn.

Năm 2016, thấy cơ hội từ chuối già xuất khẩu, tôi đặt mua giống chuối cấy mô về cung cấp cho nông dân, đầu tư phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con. Năm ngoái, tôi đầu tư cánh đồng lớn cho cây chuối, ký kết bao tiêu với nông dân trên 70 hécta chuối cấy mô xuất khẩu. Giá chuối cao, nhiều nông dân phá vỡ hợp đồng bán ra ngoài cho thương lái khiến hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay tôi rút gọn quy mô, ký kết bao tiêu gần 40 hécta. Nhưng do thời tiết thất thường, đa số chuối không đạt chuẩn xuất khẩu nên tôi vẫn đang ngược xuôi tìm nơi bán chuối. Đêm tôi ngủ không được vì chỉ nghĩ đến chuối.

* Làm cánh đồng lúa sạch

 Tại sao ông vẫn chọn phát triển cây lúa ở vùng đất công nghiệp? 

- Tôi đẻ ở trên đồng và từ trong bụng mẹ đã được học cấy lúa. Dù thử nghiệm qua rất nhiều cây, con khác nhau nhưng từ xưa đến nay, tôi vẫn luôn xác định cây lúa là căn cơ của mình. Tôi cũng nhiều lần trắng tay vì cây lúa vào các đợt lũ từ năm 1993-1997, rồi những năm mặt hàng này rớt giá nhưng tôi vẫn đổ công, đổ của làm đê bao giữ cây lúa trên đồng. Bây giờ tôi chuyển sang làm cây lúa sạch không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu.

Năm 2015, tôi đã triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây lúa. Đến tháng 8 cùng năm, tôi hợp tác thành lập Công ty TNHH Kim Đồng Thuận vì tôi chỉ có thế mạnh trong tổ chức sản xuất; hoạt động kinh doanh, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu cần thêm những người giỏi về lĩnh vực này. Lúc đó, chúng tôi mới làm “nháp” nên chưa ra sản phẩm. Năm 2016, sản phẩm gạo không hóa chất bắt đầu có mặt trên thị trường, đồng thời cũng có đơn hàng xuất khẩu. Gạo của chúng tôi không chỉ chuẩn hóa từ quy trình trồng mà ở cả khâu xay xát cũng theo hướng tự nhiên, vẫn giữ 20% độ cám, không xử lý màu, không tẩm mùi và không chất bảo quản.

Kim Đồng Thuận cũng đang triển khai dự án cánh đồng lớn ở tỉnh Đồng Tháp với diện tích 60 hécta. Ngoài ra, doanh nghiệp đang bàn chuyện hợp tác với công ty giống để làm cánh đồng chuyên canh sản xuất giống lúa vì 1kg thóc giống có giá trị cao gấp 2-3 lần kg thóc thường.

 Sản xuất sạch theo quy mô lớn có dễ không?

- Sản xuất an toàn theo quy mô lớn rất khó. Năm ngoái, tôi đăng ký dự án cánh đồng lớn cho cây lúa ở Phú Điền với quy mô 200 hécta, nhưng đến nay mới chỉ thuyết phục được 7 thành viên với diện tích 50 hécta. Những nông dân còn lại vẫn đứng ngoài... chờ xem hiệu quả. Nông dân mình vẫn quen chạy đua theo năng suất khiến đất đai ngày càng cằn cỗi, sâu bệnh ngày càng nhiều. Năm rồi, tôi chỉ làm 2 vụ thay vì 3 vụ lúa và hiệu quả thấy rõ, năng suất tăng, giá bán ra cũng cao hơn hẳn. Tôi vẫn khuyên bà con nên bỏ bớt 1 vụ lúa để thời gian cho đất thở, hướng vào làm hàng hóa có chất lượng, chứ ăn rồi chạy đua theo số lượng hoài sao được.

Tôi cũng vẫn kiên trì thuyết phục nông dân đừng lạm dụng hóa chất mà nên chuyển hướng sản xuất hữu cơ. 1kg phân chuồng rẻ hơn nhiều so với 1kg phân hóa học. Đồng ý là phân hóa học cho hiệu quả ngay trước mắt; khi chuyển qua phân chuồng và trồng theo hướng hữu cơ, không phân, không thuốc hóa học, năng suất có giảm. Nhưng tính bài toán lâu dài chi phí đầu tư giảm, sản phẩm sạch bán giá cao thì lợi nhuận sẽ tốt hơn. Tuy làm cánh đồng lớn nhưng tôi chọn hướng đi từ từ theo “vết dầu loang”, thuyết phục dần nông dân bằng kết quả thực tế.

 Ông có góp ý gì về mặt chính sách để có thêm nhiều cánh đồng lớn hiệu quả?

- Cán bộ Nhà nước đừng ngồi bàn nữa mà nên sát cánh với nông dân cùng làm. Cụ thể như dự án cánh đồng lớn cho cây lúa, hợp tác xã đã đăng ký 2 năm, chỉnh sửa hồ sơ hơn 15 lần nhưng vẫn còn vướng thủ tục nên hiện vẫn chưa được phê duyệt. Nông dân mình giờ trồng cây gì, nuôi con gì cũng “chết” vì thị trường nông nghiệp của ta quá bấp bênh. 1 hạt lúa làm ra tới tay người tiêu dùng đang phải chịu đến gần chục “cái còng”, từ thời tiết, đất, nước đến thuế, phí, tư thương, thị trường bấp bênh... Ở đây đều cần đến vai trò của Nhà nước, nhất là khâu tổ chức thị trường để người nông dân tin tưởng và gắn bó.

 Xin cảm ơn ông!

Nông dân hiện vẫn chạy theo vòng luẩn quẩn chặt cây này, trồng cây kia vì có 2 cái thua là tham và tiếc: tham là tham làm nhiều quá, quản lý không xuể; mà tiếc là tiếc tiền, giai đoạn cuối khi thị trường bất lợi là họ bỏ lửng nửa chừng không đầu tư. Nhưng cái chính cũng từ căn nguyên họ không tin nổi thị trường, đụng đâu người ta bán đó.

Bình Nguyên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,022,480       197