Kinh tế

Cả ngàn tấn chất thải "ẩn" giữa rừng tràm

Từ nguồn tin người dân cung cấp, chúng tôi tìm đến khu rừng tràm ở ấp 7, xã An Phước (huyện Long Thành) thì phát hiện hàng ngàn bao tải chứa chất thải rắn đổ dọc hai bên lề đường. Sự việc được người dân địa phương phát hiện nhiều năm nay, nhưng khi được hỏi thì chính quyền địa phương bảo: "Chưa nhận được phản ánh".

Từ nguồn tin người dân cung cấp, chúng tôi tìm đến khu rừng tràm ở ấp 7, xã An Phước (huyện Long Thành) thì phát hiện hàng ngàn bao tải chứa chất thải rắn đổ dọc hai bên lề đường.

Hàng ngàn bao tải chứa chất thải được đổ dọc 2 bên đường đi qua khu rừng tràm.
Hàng ngàn bao tải chứa chất thải được đổ dọc 2 bên đường đi qua khu rừng tràm.

Sự việc được người dân địa phương phát hiện nhiều năm nay, nhưng khi được hỏi thì chính quyền địa phương bảo: “Chưa nhận được phản ánh”.

* “Con đường chất thải”

Nói là “con đường chất thải” vì dọc theo đoạn đường dài hàng trăm mét đi qua khu rừng tràm chất đầy bao tải đựng chất thải rắn. Bên cạnh số chất thải chứa trong bao, còn có cả ngàn tấn chất thải đổ thẳng ra lề đường.

Từ quốc lộ 51, theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường đi vào Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành) khoảng 2km thì thấy một con đường nhỏ bên trái dẫn vào khu rừng tràm. Ngay đầu con đường nhỏ này có tấm biển ghi: “Công ty Đ.H”, nhưng quan sát của chúng tôi cho thấy phía trong chỉ có vài khu nhà xưởng xập xệ giữa một khu đất trống rộng mênh mông.

Chất thải rắn màu nâu có độ kết dính rất cao, phải dùng sức mới có thể gỡ ra từng mảnh vụn (ảnh  nhỏ).
Chất thải rắn màu nâu có độ kết dính rất cao, phải dùng sức mới có thể gỡ ra từng mảnh vụn (ảnh nhỏ).

Luồn lách dưới tán rừng tràm khoảng 500m, chúng tôi bắt đầu thấy hàng ngàn bao tải chứa chất thải rắn chất cao dọc hai bên đường. Khối chất thải này có màu nâu, đỏ và trắng, có độ kết dính cao, phải dùng sức chúng tôi mới có thể gỡ ra từng mảnh vụn.

Quan sát bằng mắt thường, đây có thể là một loại chất thải công nghiệp giống như một loại keo đã hết thời hạn sử dụng nên liên kết chặt với nhau. Số chất thải này được người ta cắt thành từng cục với đường kính từ 20-40cm rồi đem vào đây đổ. Trong số chất thải này, có loại màu trắng, dạng mùn giống như cát, có mùi hắc rất khó chịu khi tiếp xúc gần.

Trong đống chất thải hàng ngàn bao đổ ở khu rừng tràm, chúng tôi thấy có rất nhiều bao tải được đưa đến đây từ lâu vì cây cối đã mọc phủ kín lên đó.

* Dân không dám vào, chính quyền chưa biết?

Nhà ở gần khu rừng tràm, ông Lê Khắc Hải cho biết hơn một năm trước, khi đến đây cất nhà ở ông đã thấy số chất thải này. Theo thời gian, số chất thải ngày một nhiều thêm, nhưng ông Hải và người dân ở đây không biết ai đem đến đây đổ. “Chắc họ đổ vào ban đêm, chứ ban ngày tụi tui có thấy gì đâu” - ông Hải phân trần.

Ông Hải cho biết thêm, khu rừng tràm do một đơn vị quân đội quản lý nên người dân ở đây ít ai vào. Trước đây từng có người sử dụng khu đất này phơi cá, bột mì và chứa mủ cao su gây ra mùi hôi rất khó chịu nên người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh sự việc với chính quyền để xử lý.

Sau khi ghi nhận sự việc tại hiện trường, chúng tôi đã làm việc với Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Long Thành. Tiếp phóng viên, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Long Thành Nguyễn Hoàng Nghĩa cho biết đơn vị chưa nhận được phản ánh của người dân về sự việc đổ chất thải trong khu rừng tràm ở ấp 7, xã An Phước. Khi được phóng viên cho xem những hình ảnh phóng viên ghi nhận thì ông Nghĩa nói sẽ lập tổ công tác đến hiện trường xem xét.

Ông Nghĩa cũng cho biết khu vực này thuộc đơn vị quân đội quản lý nên chính quyền địa phương cũng ít tiếp cận; chỉ khi có thông tin phản ánh của người dân thì lực lượng chức năng mới tiến hành xác minh.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Long Thành, cho biết trước đó Đội Kiểm tra môi trường của huyện đã phối hợp với UBND xã đi kiểm tra ở khu vực này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng có kiểm tra đúng ngay địa điểm đổ chất thải mà phóng viên cung cấp hình ảnh hay chưa thì ông phải kiểm tra lại.

Ông Phương cũng cho biết sau khi lập đoàn kiểm tra địa điểm đổ thải mà phóng viên cung cấp, đơn vị sẽ có báo cáo cụ thể và nếu trong thẩm quyền của huyện thì huyện sẽ xử lý. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có chất thải nguy hại thì đơn vị sẽ báo cáo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Về việc phần đất này thuộc đơn vị quân đội quản lý, địa phương khó tiếp cận, ông Phương cho biết phải kiểm tra mới xác định chính xác. Nếu gặp khó khăn, địa phương sẽ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để phối hợp xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, khi tiếp nhận phản ánh của phóng viên, Chánh văn phòng UBND huyện Long Thành Trần Kim Sương cho biết các đơn vị chức năng sẽ tham mưu lãnh đạo huyện vào cuộc xem xét nguồn gốc số chất thải đổ ở khu rừng tràm thuộc ấp 7, xã An Phước để có biện pháp xử lý.

Phát hiện xe tải đổ thải từ tin báo của phóng viên

Ngày 22-3, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Long Thành, cho biết sau khi nhận được phản ảnh của phóng viên Báo Đồng Nai, phòng đã cử ngay một tổ công tác đến kiểm tra thực tế tại khu vực nghi có đổ trộm chất thải (ấp 7, xã An Phước).

Tại đây, tổ công tác phát hiện xe tải biển số 93C-060.53 do Nguyễn Văn Hưng điều khiển đang chở chất thải rắn đến đổ. Các cán bộ trong tổ công tác báo ngay cho lãnh đạo phòng, yêu cầu Công an huyện Long Thành cùng phối hợp để xử lý. Cùng thời điểm này, các trinh sát của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh cũng đến kiểm tra việc đổ thải ở khu vực này, các bên đã phối hợp xử lý trường hợp trên.

Làm việc với lực lượng chức năng, tài xế Hưng khai sáng cùng ngày có nhận được yêu cầu của lãnh đạo một công ty đóng tại tỉnh Bình Phước đưa xe tải đến Khu công nghiệp Biên Hòa 2 để vận chuyển hơn 6,6 tấn bùn thải đổ tại địa điểm trên. Khu vực đổ thải là rừng tràm thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Đ.H (là một đơn vị của quân đội).

Ông Phương cũng cho biết hiện lực lượng chức năng đang phối hợp để xác minh làm rõ hành vi đổ chất thải nói trên, đồng thời xác minh nguồn gốc số chất thải đã có tại đây.

Trần Danh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,067,603       12