Kinh tế

"Bàn tay vàng" làm nấm

Bà Nguyễn Thị Lời tại ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) được nhiều người biết tiếng vì đầu tư trồng nấm với quy mô lớn. Không chỉ là nông dân có "bàn tay vàng" trong sản xuất,...

Bà Nguyễn Thị Lời tại ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) được nhiều người biết tiếng vì đầu tư trồng nấm với quy mô lớn. Không chỉ là nông dân có “bàn tay vàng” trong sản xuất, bà còn rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường nên ký được nhiều hợp đồng cung cấp nấm cho các công ty chế biến thực phẩm để có đầu ra ổn định với mức giá tốt.

Toàn bộ số nấm tươi thu hoạch từ các trại đều được gia đình bà Nguyễn Thị Lời tổ chức sơ chế, bảo quản lạnh rồi cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến.
Toàn bộ số nấm tươi thu hoạch từ các trại đều được gia đình bà Nguyễn Thị Lời tổ chức sơ chế, bảo quản lạnh rồi cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến.

* Sản xuất với quy mô lớn

Năm 1998, bà Lời đầu tư trồng nấm mèo. Vài năm sau, nhận thấy đầu ra của mặt hàng này ngày càng bấp bênh, bà chuyển sang trồng nấm bào ngư. Theo bà Lời: “Trước đây nấm bào ngư cũng trồng theo mùa vụ nên đến thời điểm thu hoạch rộ, giá nấm thường thấp vì sản lượng quá nhiều. Vài năm trở lại đây, nông dân trồng nấm chúng tôi ứng dụng kỹ thuật mới nên “điều khiển” cho nấm ra đều quanh năm. Điều quan trọng không kém là nuôi theo kỹ thuật mới, sản lượng nấm đạt tốt, chất lượng được nâng cao, nhất là về khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Nhờ đó, bà Lời và những nông dân trồng nấm có thể căn cứ vào thị trường để chủ động điều chỉnh mùa vụ, sản lượng thu hoạch. Bà Lời cho biết: “Từ bước ban đầu chỉ làm vài chục ngàn bịch meo nấm giống, tôi dần dần mở rộng quy mô các trại nuôi trồng lên hàng trăm ngàn bịch meo giống như hiện nay. Tôi mạnh dạn đầu tư vào khâu sản xuất theo hướng chuyên nghiệp với quan niệm sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào sẽ dần bị thị trường đào thải”.

* Tổ chức vùng nguyên liệu chế biến

Khi chuẩn hóa khâu nuôi trồng, sản xuất với quy mô lớn, gia đình bà Lời đã đầu tư xưởng sơ chế, đóng gói và kho lạnh để trữ nấm. Từ đó, gia đình bà Lời không chỉ chủ động được trong khâu thu hoạch, phân phối nấm mà còn có nhiều lợi thế trong việc thỏa thuận cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Tuy vẫn giữ quy mô sản xuất, kinh doanh hộ gia đình nhưng bà Lời được các doanh nghiệp tin tưởng, gắn bó vì luôn đảm bảo tốt về uy tín chất lượng. Các doanh nghiệp tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều. Khi những hợp đồng bao tiêu nấm tăng dần, vợ chồng bà Lời bắt tay liên kết, bao tiêu đầu ra với giá ổn định cho những trại nấm trong vùng.

Bà Lời cho hay: “Hiện gia đình tôi có 2 trại lạnh bảo quản nấm với công suất 4 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động nông thôn; giai đoạn cao điểm, lao động có thể tăng lên đến hàng chục người”. Nguồn nấm dạt hoặc tồn lại trong mỗi đợt sơ chế, bà Lời cho phơi khô và cũng cung cấp cho các công ty chế biến gia vị hoặc làm nguyên liệu ép dầu.

Toàn bộ số nấm gia đình bà Lời nuôi trồng và bao tiêu cho nông dân trong vùng đều được gia đình bà ký hợp đồng cung cấp cho các công ty chế biến thực phẩm. Nhu cầu tiêu thụ nấm của các doanh nghiệp mỗi năm mỗi tăng nên đầu ra cho người trồng nấm rất ổn định. “Nhờ tổ chức quy trình khép kín từ khâu nuôi trồng đến sơ chế, đóng gói, không để lãng phí nên chúng tôi cũng ký hợp đồng bao tiêu ổn định cho nông dân trồng nấm với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Nhu cầu về nguồn nguyên liệu của các công ty chế biến tăng đều mỗi năm nên không lo về đầu ra. Mong muốn của chúng tôi là xây dựng được vùng chuyên canh cây nấm an toàn làm nguồn nguyên liệu chế biến để nông dân trồng nấm không phải phấp phỏng lo âu khi thị trường biến động” - bà Lời chia sẻ. 

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,019,836       36