Kinh tế

Để mô hình kinh tế tập thể thanh niên hiệu quả

Theo Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 4 mô hình hợp tác xã, 48 mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên. Việc các mô hình này ra đời là để góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đoàn viên, thanh niên...

Theo Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 4 mô hình hợp tác xã, 48 mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên. Việc các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên ra đời và đi vào hoạt động là để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đoàn viên thanh niên.

Anh Đào Văn Liên, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên sản xuất rau an toàn xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) thu hoạch đậu bắp.
Anh Đào Văn Liên, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên sản xuất rau an toàn xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) thu hoạch đậu bắp.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các mô hình này gặp không ít khó khăn. Nhiều mô hình hoạt động không hiệu quả...

* Còn nhiều khó khăn

Theo Tỉnh đoàn, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh hiện đang quản lý các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp trên địa bàn tỉnh từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn Chương trình 120, Quỹ tín dụng CEP, Quỹ Đồng hành cùng thanh niên tỉnh Đồng Nai, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự... đạt hơn 138 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này mới chỉ giải quyết được nhu cầu vay vốn của một bộ phận nhỏ đoàn viên thanh niên có nhu cầu vay vốn ưu đãi trong tỉnh.

Từ những mô hình trồng các loại rau, cây thuốc lá hiệu quả của anh Đào Văn Liên (ấp Láng Me 2, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) với thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm, anh Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Đoàn xã Xuân Đông, đề nghị thành lập tổ hợp tác thanh niên sản xuất rau an toàn do anh Liên làm tổ trưởng.

Anh Tâm nhận định, sau 3 năm thành lập đến nay hoạt động của tổ hợp tác mới dừng lại ở việc trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trồng trọt là chính.

So với trước khi thành lập tổ hợp tác, hoạt động sản xuất của các thành viên không thay đổi gì nhiều. Nguyên nhân là do đầu ra của sản phẩm rau, củ, quả hiện nay chưa ổn định, trong khi đó đoàn viên thanh niên còn hạn chế, lúng túng trong việc tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, việc khó tiếp cận các nguồn vốn cũng đang là trở ngại cho sự phát triển của các tổ hợp tác thanh niên. Sau 4 năm ra đời, Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) là nơi để các thành viên học tập, trao đổi kiến thức chăn nuôi heo, đem lại lợi nhuận cao trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo anh Bùi Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo, mong muốn của đoàn viên thanh niên khi tham gia tổ hợp tác là sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn để có thêm kiến thức về chăn nuôi thì hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, nhiều đoàn viên thanh niên muốn mở rộng trang trại để chăn nuôi nhiều hơn nhưng lại khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.

Đầu năm 2014, 7 thành viên đến từ Câu lạc bộ thanh niên sản xuất giỏi huyện Xuân Lộc, Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã bắt tay trồng chanh dây trên khu đất 3,5 hécta tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc). Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, cây bắt đầu cho thu hoạch.

Trái chanh dây sau khi thu hoạch được bóc tách đưa về nhà máy ở tỉnh Tiền Giang chế biến và đóng thùng xuất khẩu sang châu Âu; thu hoạch khoảng 10 tấn dịch xuất khẩu/lần, thu hoạch từ 3-4 lần/năm, thu khoảng 240 triệu đồng. Thế nhưng, tồn tại được gần 2 năm, thì diện tích đất trồng chanh dây nằm trong dự án phải thu hồi, đồng thời các thành viên ai nấy đều có công việc riêng không thể bỏ nên tổ hợp tác quyết định giải thể.

* Cần sự chủ động của Đoàn

Tôn chỉ của hợp tác xã, tổ hợp tác do Đoàn tổ chức là làm sao tạo việc làm cho tất cả thành viên, giúp họ nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Muốn phát triển, đoàn viên thanh niên phải đồng lòng, hợp sức thành lập hợp tác xã hay tổ hợp tác xã thanh niên. Trên thực tế, nhiều đoàn viên thanh niên chưa thực sự hiểu rõ về mô hình kinh tế tập thể nên chưa thật sự tâm huyết.

Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, chia sẻ thời gian tới tổ chức Đoàn sẽ chủ động hơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên về mô hình kinh tế tập thể bằng nhiều hình thức; xây dựng các tài liệu cần thiết hướng dẫn quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác xã; giới thiệu các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên, tổ chức Đoàn nên tập trung giải quyết nguồn vốn vay ưu đãi và nhất là đầu ra ổn định cho các sản phẩm sau khi “ra lò”. Đây là những vấn đề không dễ nhưng nếu giải quyết được, hoạt động của mô hình kinh tế tập thể của thanh niên sẽ có nhiều khởi sắc.

 Bên cạnh việc phối hợp đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội hiểu sâu về kinh tế tập thể để định hướng đúng cho đoàn viên thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh ngoài tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị trong nội bộ Đoàn còn cần mở rộng trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác với các đoàn thể khác.

Hiện tại, Tỉnh đoàn đã thành lập được đội tình nguyện chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và phương thức sản xuất mới cho thanh niên nông thôn tỉnh với 12 đoàn viên thanh niên. Đây là một lợi thế để tổ chức Đoàn đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin môi trường, chế biến nông sản, thực phẩm cho đoàn viên thanh niên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Nguyễn Tuyết

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,019,241       47