Kinh tế

Tính đầu ra cho nấm

So với nhiều cây trồng khác thường mất mùa, sâu bệnh vì thời tiết, vụ thu hoạch năm nay nông dân trồng nấm có nhiều thuận lợi vì nấm trúng mùa, đạt năng suất.

Tuy nhiên, nông dân trồng nấm có người vui cũng có người buồn vì giá nấm bào ngư, nấm linh chi đang ở mức tốt nhưng giá nấm mèo lại giảm sâu.

Nông dân trồng nấm bào ngư phấn khởi vì mặt hàng này đang bán được giá tốt. Trong ảnh: Trại nấm của bà Phan Thị Thu Thảo (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh).
Nông dân trồng nấm bào ngư phấn khởi vì mặt hàng này đang bán được giá tốt. Trong ảnh: Trại nấm của bà Phan Thị Thu Thảo (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh).

Vài năm trở lại đây, nấm mèo liên tục mất giá vì khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ. Nhiều nông dân trồng nấm đã có sự chuyển hướng dần sang làm nấm bào ngư, nấm linh chi. Tuy nhiên, theo những nông dân giàu kinh nghiệm, người trồng nấm không nên sản xuất chạy theo phong trào mà phải nhìn vào thị trường và tính đầu ra cho sản phẩm.

Trúng mùa, lo về giá

Nấm mèo đang vào thời điểm rộ thu hoạch cuối vụ. Giá nấm mèo bất ngờ giảm mạnh, chỉ còn từ 45-50 ngàn đồng/kg, giảm 20 ngàn đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Với mức giá bán này, người trồng nấm mèo lỗ khoảng 15 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Xuân Trọng Tháp, nông dân trồng nấm mèo tại huyện Định Quán, nhận xét: “Trước ở vùng này rất nhiều nông dân đầu tư trại trồng nấm mèo. Nhưng vài năm gần đây, mặt hàng này liên tục rớt giá, nhiều người bỏ trại hoặc chuyển sang trồng nấm bào ngư”.

Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), xót xa: “Năm nay, sản lượng nấm mèo giảm mạnh do nhiều trại bỏ trồng nhưng vẫn rơi vào cảnh rớt giá khi rộ vụ thu hoạch. Vài năm trở lại đây, người trồng nấm mèo hầu như không có đồng lời vì ngay cả khi giá nấm mèo đứng ở mức cao, nông dân cũng chỉ huề vốn”. Theo các thương lái, vào giai đoạn thịnh, nấm mèo tiêu thụ rất tốt tại thị trường nội địa, đồng thời xuất đi Trung Quốc nên giá bán lẻ trên 100 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện nay sản phẩm này chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước, lại chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ nấm mèo Trung Quốc nên rơi vào cảnh rớt giá không phanh.

Nhìn thị trường để sản xuất

Vụ thu hoạch năm nay, sản lượng nấm bào ngư cung cấp ra thị trường tăng gấp đôi năm ngoái nhưng giá bán vẫn cao. Cụ thể, giá nấm bào ngư xám thương lái đang mua tại trại được 21-22 ngàn đồng/kg, bào ngư trắng từ 10-12 ngàn đồng/kg. Người trồng nấm đang có sự chuyển dịch theo hướng bỏ nấm mèo sang trồng nấm bào ngư, nấm linh chi cho lợi nhuận tốt hơn.

Trước sự chuyển đổi này, ông Nguyễn Văn Hòe tỏ ra lo lắng: “Nông dân trồng nấm vẫn chạy theo phong trào. Mọi người lại đang đổ xô trồng nấm bào ngư vì giá mặt hàng này cao, nhưng tôi lo rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn dội chợ, rớt giá”. Tuy nhiên, theo ông Hòe, tuy còn chậm nhưng người trồng nấm ở Long Khánh đang chuyển hướng sản xuất ngày càng chuyên nghiệp hơn. Số hộ trồng nấm quy mô nhỏ lẻ bỏ nghề nhiều nhường chỗ cho các trại quy mô lớn, đầu tư chuyên nghiệp. “Trước đây, trại nấm có quy mô 100 ngàn bịch meo giống chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay không ít trại sản xuất đến hàng trăm ngàn bịch. Nhiều trại ký được hợp đồng bao tiêu lâu dài với doanh nghiệp chế biến thực phẩm nên đầu ra khá ổn định” -  ông Hòe nói.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một trong những người trồng nấm quy mô lớn tại xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), cho biết: “Vì ký kết được hợp đồng cung cấp nấm bào ngư cho một số công ty chế biến thực phẩm tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh nên tôi đầu tư 2 kho lạnh với công suất trữ được 4 tấn nấm tươi/ngày. Ngoài nguồn nấm do gia đình sản xuất, tôi còn liên kết, thu mua nấm với giá ổn định cho nhiều hộ trồng nấm trong vùng”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nông dân trồng nấm không nên thấy mặt hàng này đang được giá tốt mà đổ xô vào trồng. Muốn nắm chắc phần thắng, nông dân phải nhìn vào thị trường, tính được đầu ra thì mới nên đổ vốn vào đầu tư sản xuất.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,246,107       2,079