Kinh tế

Nông dân khốn đốn vì mưa trái mùa

Những vùng trồng điều, trồng xoài ở Đồng Nai đang vào giai đoạn ra bông, đậu trái non có nguy cơ mất trắng khi gặp phải những cơn mưa lớn trái mùa trong tuần qua.

Những cây ăn trái, như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... có hiện tượng chỉ trổ lá, đâm đọt thay vì xuống lá chuẩn bị ra bông. Vụ trái cây năm nay sẽ vào vụ trễ hơn nhiều so với mọi năm.

Người trồng điều ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán đang khẩn trương phun thuốc trị nấm, thán thư… để “cứu” bông điều sau đợt mưa trái mùa vừa qua.
Người trồng điều ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán đang khẩn trương phun thuốc trị nấm, thán thư… để “cứu” bông điều sau đợt mưa trái mùa vừa qua.

Mưa, thời tiết lạnh, sương muối nhiều... cũng là nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh với diễn biến phức tạp trên cây trồng. Những ngày này, nông dân trồng xoài, trồng điều đang khẩn trương phun thuốc, bỏ phân để ngăn bông rụng, bị sâu bệnh vì mưa trái mùa.

 Xoài, điều “gặp hạn” vì mưa xuân

Chưa có năm nào thời tiết biến đổi bất thường và đột ngột như năm nay khiến nông dân không biết đường nào để ứng phó. Ông Duy Phúc, người có 12 năm kinh nghiệm trồng điều ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), buồn bã chia sẻ: “Vườn điều rộng 2,5 hécta của nhà tôi đang vào độ trổ bông thì gặp ngay những cơn mưa trái mùa bắt đầu từ mùng 5 tết. Đợt mưa kéo dài nhiều ngày khiến bông điều không thể đậu trái, dễ bị nhiễm nấm, thán thư và các loại sâu bọ tấn công khiến tôi phải gấp rút phun thuốc “rửa hoa” trong những ngày qua. Hiện tại, hơn 60% diện tích vườn đã bị ảnh hưởng, trong đó rất nhiều cây đã trổ bông đúng dịp tết coi như mất trắng”.

Tương tự, những nhà vườn trồng xoài cũng có nguy cơ mất trắng vụ thu hoạch sau tết bởi những cơn mưa trái mùa và các dạng thời tiết cực đoan, như: sương muối, sương mai… Theo ghi nhận tại nhiều địa phương ở huyện Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, nhiều vườn xoài cát, Thái, ba mùa mưa... đang trong giai đoạn trổ bông đã bị “cháy” hoa. Thời tiết ẩm thấp cũng là cơ hội để các loài sâu bệnh, nấm, thán thư, ruồi vàng… phát triển mạnh. Chỉ vườn xoài xum xuê bông đã bị cháy khô, ông Trần Kháng (xã La Ngà, huyện Định Quán), lo lắng: “Gần 1,5 hécta xoài Thái, xoài ba mùa mưa của gia đình tôi dự định sẽ thu hoạch vào cuối tháng 4 tới coi như mất trắng vì đợt thời tiết bất thường vừa qua. Mưa nhiều kèm sương muối khiến xoài không thể trổ bông, hoặc bông đang trổ bị “cháy” hoàn toàn dù tôi đã cố gắng phun thuốc “cứu” liên tục trong những ngày tết. Riêng xoài Đài Loan có sức đề kháng cao hơn nhưng tỷ lệ đậu trái thấp và dễ bị ruồi vàng gây hại nên cả sản lượng lẫn chất lượng đều không cao”.

Lo dịch bệnh

Nông dân trồng điều ở xã An Viễn (huyện Trảng Bom) cũng đang lo đứng, lo ngồi vì dịch bọ xít muỗi đã xảy ra từ cả tháng trước Tết Nguyên đán 2017. Ông Nguyễn Văn Thu, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp An Viễn, cho biết: “Hơn tháng nay, nông dân luôn phải bám sát vườn điều. Có gia đình ban đêm phải soi đèn phun thuốc để dập dịch. Tưởng đã yên nhưng sau tết bất ngờ lại xuất hiện những cơn mưa lớn khiến tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Vụ điều năm nay nông dân cực lắm, chỉ hơn 1 tháng qua nhiều nhà vườn phải tổ chức 7-8 lần phun xịt thuốc cứu bông, cứu trái nhưng năng suất vẫn bị ảnh hưởng, nhẹ thì giảm 20-50%, nặng thì mất trắng”. Mất mùa nhưng nông dân vẫn phải đổ tiền vào xịt thuốc trừ sâu bệnh để cứu cây, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch những vụ sau.

Cùng tâm trạng trên, ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh), tỏ ra bất an: “Mọi năm, thời điểm này các vườn chôm chôm, sầu riêng đều trổ trái non. Các cây ăn trái khác, như: bơ, măng cụt... cũng chuẩn bị ra bông thì nay trổ toàn đọt non, nhìn lá cây xanh trong mà nông dân rầu thúi ruột”. Trái cây vụ hè năm nay có thể vào vụ trễ từ 2-3 tháng so với mọi năm. Theo đó, thời gian thu hoạch nhiều loại cây ăn trái sẽ kéo dài đến mùa mưa, chi phí đầu tư đội lên, nông dân lại đối mặt với hàng loạt nỗi lo về dịch bệnh phức tạp, thu hoạch khó khăn, chất lượng giảm, giá bán trồi sụt...

Tin từ Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu), ở vụ thu hoạch năm nay, mùa mưa kéo dài kèm theo mưa trái vụ vào mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến chữ đường và hoạt động thu hoạch mía. Cụ thể, mía thu hoạch chỉ đạt trên 8 chữ đường, giảm khoảng 1-2 chữ so với mọi năm. Việc thu hoạch, vận chuyển mía cũng chậm hơn, chi phí cao hơn.

Từ đầu vụ đến nay, nhà máy đã ép được 111 ngàn tấn mía, đạt 47% kế hoạch hoạt động cả vụ. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, nhà máy bắt đầu hoạt động ép mía từ ngày 7-2 với công suất bình quân 2 ngàn tấn mía/ngày. Tuy nhiên, dự đoán hoạt động thu hoạch, vận chuyển mía sẽ khó khăn hơn do thời tiết bất thường nên nhà máy sẽ kéo dài thời gian ép mía đến cuối tháng 3, tăng thêm từ 10-15 ngày so với mùa vụ các năm.

Bình Nguyên - Hải Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,226,216       409