Kinh tế

"Liều" để có nhà ở

Ở những khu vực đông lao động nhập cư, như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… tình trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến.

Ở những khu vực đông lao động nhập cư, như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… tình trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do nhu cầu về nhà ở rất lớn nên nhiều người lao động chấp nhận rủi ro, mua đất nông nghiệp xây dựng nhà ở trái phép.

Những ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp tại TP.Biên Hòa.
Những ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp tại TP.Biên Hòa.

Chuyện xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp không còn xa lạ với những nơi có khu công nghiệp và đông công nhân. Dù biết là sai, nhưng nhiều người lao động vẫn chấp nhận bỏ ra 100-300 triệu đồng mua một miếng đất nông nghiệp bằng giấy tay và lén lút cất nhà. Khi chính quyền địa phương phát hiện thì chuyện cũng đã rồi và họ chấp nhận đóng phạt để có nơi an cư.

Biết trái phép, vẫn phải làm liều

Những điểm “nóng” trong xây dựng nhà ở trái phép hiện nay ở TP.Biên Hòa có 7 phường, xã gồm: Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân, Tân Phong, Phước Tân, Tam Phước, Hóa An. Huyện Vĩnh Cửu có xã Thạnh Phú; huyện Long Thành có 2 xã Long An, Phước Thái  và huyện Nhơn Trạch có các xã: Long Thọ, Phú Hữu, Đại Phước, Vĩnh Thanh... Điều khiến người lao động phải “liều” là vì mua một lô đất nông nghiệp từ 80-120m2 tùy theo vị trí,  địa bàn giá chỉ dao động từ 100-300 triệu đồng. Trong khi đó, để sở hữu một thửa đất thổ cư như vậy giá tiền gấp 2-3 lần, vượt quá khả năng của nhiều gia đình.

Chị N.T. (ở ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Vợ chồng tôi từ miền Trung vào đây làm công nhân phải thuê phòng trọ mỗi năm tốn hơn 10 triệu đồng. Do đó, sau hơn 8 năm làm việc chúng tôi dành dụm được chút vốn nên đã chấp nhận bỏ ra mua một miếng đất nông nghiệp giấy tay giá hơn 100 triệu đồng. Vay mượn thêm bạn bè, người thân chúng tôi cất tạm căn nhà cấp 4 để ở”. Theo chị N.T., dù biết làm như vậy là không đúng, nếu chính quyền xã phát hiện thì sẽ phạt, có khi sẽ buộc tháo dỡ, song không liều thì chẳng khi nào đủ tiền mua nổi miếng đất thổ cư xây dựng nhà để thoát khỏi căn phòng trọ hơn 10m2. Đó là một thực tế khiến nhiều lao động nhập cư “nhắm mắt làm liều” để có được căn nhà. Phía chính quyền địa phương khi phát hiện đều là chuyện đã rồi, việc cưỡng chế tháo dỡ thường rất khó thực hiện vì các hộ trên đa số là công nhân, lao động nghèo, để có được căn nhà trái phép họ phải mất một thời gian dài tích cóp.

Ông X.H. ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Để sở hữu được thửa đất thổ cư có sổ đỏ và cất căn nhà cấp 4 ở các phường của Biên Hòa, rẻ cũng phải tiền tỷ. Vợ chồng tôi đều là công nhân, lại phải nuôi thêm 2 con nhỏ rất khó dành dụm được số tiền trên để mua. Vì thế, tôi vào phường Trảng Dài mua đất nông nghiệp và chỉ mất gần 500 triệu đồng là có căn nhà nhỏ. Vợ chồng, con cái thoát được cảnh ở nhà trọ”. Hoàn cảnh của ông H. cũng là thực trạng chung của cả ngàn hộ dân là lao động nhập cư ở các tỉnh, thành khác về Đồng Nai sinh sống và làm việc.

Không đáp ứng đủ nhu cầu

Dù Chính phủ, tỉnh có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán hoặc cho công nhân, viên chức thuê, nhưng số lượng nhà ở xã hội xây dựng chỉ đáp ứng được rất ít so với nhu cầu. Cụ thể, theo quy hoạch giai đoạn 2016-2010, Đồng Nai sẽ xây dựng khoảng 20 ngàn căn nhà ở xã hội, như vậy sẽ đáp ứng được cho khoảng 20 ngàn gia đình, cá nhân là công nhân, viên chức đang cần nhà ở. Số lượng nhà ở như trên chỉ đáp ứng được số lẻ so với yêu cầu thực tế. Nếu tính riêng công nhân nhập cư, Đồng Nai đã có trên nửa triệu người cần mua, thuê nhà ở xã hội, chưa kể đến công chức, viên chức.

Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho biết: “Tại 7 xã, phường vùng ven phần lớn diện tích là đất nông nghiệp, nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhiều người dân đã san lấp đất nông nghiệp phân lô bán nền. Chính quyền các xã, phường trên còn chưa kiên quyết xử lý tình trạng phân lô bán nền dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép. Nguyên nhân là do nhu cầu về nhà ở lớn, nhưng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp lại quá ít”. Theo ông Đồng, để giải quyết được tận gốc việc xây dựng trái phép ở TP.Biên Hòa thì cần có nhiều nhà ở xã hội giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp. Chính phủ cũng cần thêm các chính sách ưu đãi về vốn vay lãi suất thấp để người lao động đủ khả năng sở hữu căn nhà. Ngoài ra, những trường hợp cố tình phân lô bán nền đất nông nghiệp phải xử lý thật nghiêm để ngăn tình trạng xây dựng trái phép.

Mới đây, trong cuộc họp về nhà ở xã hội, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm cho hay: “Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội. Khoảng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 2.100 căn nhà ở xã hội. Dự kiến, trong 4 năm tới sẽ làm tiếp 20 ngàn căn, song số lượng trên chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu thực tế”. Tại Đồng Nai, chỉ tính riêng các khu công nghiệp trong tỉnh đã có gần 519 ngàn công nhân, trong đó hơn 60% là dân nhập cư từ các tỉnh, thành khác thì nhu cầu về nhà ở xã hội còn lớn hơn nhiều so với con số khảo sát trên. Nguồn cung chỉ đáp ứng được phần nhỏ cho cầu thì việc lén mua đất nông nghiệp cất nhà trái phép không dễ ngăn chặn.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,231,169       1,116