Kinh tế

Huyện Cẩm Mỹ: Tăng cường đầu tư kênh mương nội đồng

Nông dân trồng lúa huyện Cẩm Mỹ đang khấp khởi mừng, bởi sắp tới đây có thể tăng gia sản xuất trên những cánh đồng lúa mà không phải lo thiếu nước tưới.

Hệ thống kênh mương nội đồng tại cánh đồng ấp 2, xã Sông Ray đã được bê tông hóa. Ảnh: N.Liên
Hệ thống kênh mương nội đồng tại cánh đồng ấp 2, xã Sông Ray đã được bê tông hóa. Ảnh: N.Liên

Theo các hộ dân, trước đây do khó khăn về nước tưới nên năng suất cây trồng bị hạn chế, đặc biệt là ở các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray… có diện tích trồng lúa khá lớn.

* Đáp ứng nhu cầu sản xuất

Hiện nay, nông dân tại các địa phương trên đang dự trù cho vụ lúa sau khi mùa mưa kết thúc. Bởi gần đây, hệ thống thủy lợi đã được huyện đầu tư nâng cấp bê tông hóa; nước tưới tiêu đã về từng thửa ruộng cho bà con. Hình ảnh những đoạn kênh mương dài hàng trăm mét len lỏi giữa những cánh đồng lúa như mạch sống mới trên các cánh đồng ở huyện Cẩm Mỹ.

Hệ thống thủy lợi 7 cửa tại ấp 2, xã Sông Ray phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống thủy lợi 7 cửa tại ấp 2, xã Sông Ray phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp.

Đưa chúng tôi đến cánh đồng lúa thuộc khu vực các ấp: 1, 2, 9, 10 của xã Sông Ray, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Ray Lê Trọng Sâm cho biết hệ thống kênh mương ở đây đang tiếp tục được bê tông hóa. Toàn xã Sông Ray có trên 2 ngàn mét kênh mương nội đồng đang được đầu tư xây dựng để phục vụ cho 3 vụ lúa trong năm. Việc nâng cấp kênh mương nội đồng sẽ giúp cho hệ thống tưới trong sản xuất nông nghiệp bảo đảm điều tiết nước ổn định.

Đứng trước cánh đồng lúa đang chín vàng, nông dân Lăng Văn Phụng (ngụ ấp 2, xã Sông Ray) hồ hởi cho rằng từ lâu bà con đã trông chờ đường mương thủy lợi được bê tông hóa, nhưng bây giờ ao ước ấy mới thành hiện thực. Có mương dẫn nước vào từng ruộng lúa sẽ giúp bà con canh tác dễ dàng, sản lượng vụ mùa sẽ cao hơn. “Dạo trước đường mương cũ bằng đất nên tình trạng hụt nước, tắc nghẽn dòng chảy do rác thải liên tục diễn ra khiến bà con rất mất thời gian khi đưa nước vào ruộng. Nay đường mương đã được kiên cố, người dân chúng tôi rất mừng vì nguồn nước dồi dào, chắc chắn công việc đồng áng sẽ thuận lợi hơn” - ông Phụng nói.

* Tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi

Huyện Cẩm Mỹ hiện có 3 hồ chứa nước với tổng trữ lượng gần 8 triệu m3, phục vụ cho khoảng trên 1,7 ngàn hécta cây trồng. Ngoài ra, còn 13 đập dâng có nhiệm vụ giữ nguồn nước ngầm và trữ nước để phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng hàng năm. Trong năm 2016, huyện Cẩm Mỹ đã đầu tư gần 7 tỷ đồng để xây dựng 11 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong huyện.

UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết đến nay huyện đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng 5 công trình kênh mương nội đồng, đập dâng tại các xã: Sông Ray, Xuân Đông, Thừa Đức. Các dự án còn lại hiện đang thi công, dự kiến trung tuần tháng 12-2016 sẽ nghiệm thu đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới cho vụ lúa đông - xuân năm 2016-2017 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, trong năm 2016 Cẩm Mỹ cũng được UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 1 trạm bơm nước, phục vụ cho khoảng 500 hécta cây lâu năm tại xã Lâm San. Dự kiến công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Theo Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng, chủ trương hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng được lãnh đạo huyện xác nhận là rất cấp thiết. Để đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương, xây dựng các đập chắn cần phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện đã quyết tâm khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt nhất vấn đề hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi nội đồng. “Những năm trước đây hầu hết việc nước tưới lúa, bắp trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn nên năng suất thấp, chẳng hạn lúa trung bình chỉ đạt  58,4 tạ/hécta, bắp 64,4 tạ/hécta. Sau khi hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố, năng suất lúa đã đạt bình quân 62,5 tạ/hécta, bắp 65,3 tạ/hécta. Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đã mở rộng diện tích sản xuất toàn huyện thêm khoảng 310 hécta” - bà Hoàng cho biết.

Mộc Điền

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,238,840       1,735