Kinh tế

Thiếu văn bản dưới luật, hợp tác xã "ngồi chờ"

Đã hơn 3 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã mới có hiệu lực, nhưng nhiều bộ, ngành vẫn chưa xây dựng xong các hướng dẫn để thực hiện luật.

Đặc biệt, những hợp tác xã cần chuyển đổi sang mô hình khác vẫn phải ngồi chờ chính sách.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Hợp tác xã Hiệp Lực (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa).
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Hợp tác xã Hiệp Lực (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa).

Luật Hợp tác xã mới từng được đánh giá là sẽ giúp các hợp tác xã đi vào hoạt động đúng bản chất hơn. Song để thực hiện được, đến nay nhiều trường hợp vẫn còn lúng túng.

* Hướng dẫn chậm chạp

Là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, bà Lương Thị Thúy, Giám đốc Hợp tác xã Hiệp Lực (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), cho biết việc chuyển đổi sang Luật Hợp tác xã mới 2012 đã có những khó khăn ngay từ đầu. Theo bà Thúy thì việc ban hành các văn bản dưới luật chậm và nhiều điều khoản giữa luật và văn bản hướng dẫn không đồng nhất với nhau gây khó khăn cho việc thực hiện.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cho hay đến nay một số bộ, ngành còn “nợ” nhiều văn bản, trong đó có văn bản hướng dẫn chuyển đổi sang những mô hình khác. “Liên minh hợp tác xã Việt Nam cùng với các tỉnh cũng đã kiến nghị các bộ, ngành sớm hoàn tất các thủ tục hướng dẫn để cho hợp tác xã thực hiện được theo đúng luật” - ông Hùng chia sẻ.

Cụ thể, từ khi Luật Hợp tác xã mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 thì mãi đến 1 năm sau Bộ Kế hoạch - đầu tư mới ban hành thông tư hướng dẫn đăng ký lại hợp tác xã, chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã. Chính việc này khiến hợp tác xã rất lúng túng trong một thời gian để xác định lại tư cách thành viên, đánh giá lại tài sản để hoạt động theo đúng luật. Không chỉ vậy, đã 3 năm Luật Hợp tác xã mới có hiệu lực và cũng đã hết hạn chuyển đổi nhưng có những nghị định hướng dẫn đến nay cơ quan soạn thảo vẫn chưa hoàn tất.

Ông Vòng Khiềng, đại diện Hợp tác xã Thái Dương (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), cho hay theo đúng quy định đến tháng 7-2016, các hợp tác xã không chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã mới thì được xem như không tồn tại. Thế nhưng, trong thực tế lại chưa có hướng dẫn cụ thể nào trong vấn đề chuyển đổi sang mô hình khác. Ông Khiềng cho rằng, đằng sau chuyển đổi còn cả vấn đề liên quan đến tính kế thừa cũng như tài sản của hợp tác xã. Ông Khiềng nói: “Trường hợp của Hợp tác xã Thái Dương là di dời và đầu tư vào cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh liên quan đến việc thuê đất dưới danh nghĩa của hợp tác xã thì khi chuyển đổi thì phải xử lý ra sao, hiện chưa có quy định rõ ràng. Bộ Kế hoạch - đầu tư mới có dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã nhưng tới giờ chính thức để thực hiện vẫn chưa có”. Vướng mắc tương tự như trường hợp của Hợp tác xã Thái Dương tại Đồng Nai hiện tại khá nhiều.

* Vẫn phải chờ

Theo số liệu của Liên minh hợp tác xã tỉnh Đồng Nai, đến nay trong tỉnh vẫn còn 13 hợp tác xã đang chờ hướng dẫn để chuyển đổi sang mô hình khác. Các hợp tác xã này chủ yếu chuyển sang loại hình hoạt động là doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các trường hợp này vẫn phải chờ. Việc các văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành chậm đã ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị này.

Ông Trần Ngọc Khoản, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển hợp tác  xã (thuộc Liên minh hợp tác xã tỉnh Đồng Nai), cho biết đến nay dù đã hết thời hạn chuyển đổi sang Luật Hợp tác xã mới nhưng vẫn còn những trường hợp bị mắc kẹt do văn bản hướng dẫn không có. Ông Khoản nói: “Theo quy định, nếu đến ngày 1-7-2016 các hợp tác xã không chuyển đổi sang hoạt động theo luật mới thì xem như không tồn tại. Như vậy, những hợp tác xã chưa chuyển đổi được sang loại hình khác coi như là hoạt động “lụi”. Việc này khó cho hợp tác xã vì ảnh hưởng đến ký kết hợp đồng làm ăn”.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,993,498       766