Ông Nguyễn Thanh Phi Long thuộc lớp nông dân đầu tiên đổ vốn lập trại nuôi con gà lông trắng theo hướng công nghiệp vào thời điểm chỉ có các tập đoàn lớn đầu tư chăn nuôi theo hướng này.
Ông cũng là người đi tiên phong trong thực hành chăn nuôi theo quy trình VietGAP tại Đồng Nai và hiện đã phát triển được hệ thống 8 trại chăn nuôi với quy mô đàn 300 ngàn con gà thịt.
Hơn 20 năm gắn bó với con gà công nghiệp, ông đi từ một người thuần chăn nuôi đến thành lập doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang lĩnh vực giết mổ, xây dựng chuỗi cửa hàng bán thịt gà sạch. Từ nền tảng đó, Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh) trở thành đơn vị đầu tiên được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn về sản phẩm gà thịt tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Cho đến lúc này, đây vẫn là hướng đi được nhiều người nhận xét là đầy khó khăn bởi con gà lông trắng nhiều năm nay giá cả trồi sụt, ít lãi. Đầu tư theo hướng sản xuất sạch, cho ra sản phẩm an toàn càng khó khăn hơn bởi chi phí đầu tư không nhỏ, trong khi đa số người tiêu dùng mặc dù “sợ” thực phẩm bẩn, song lại chưa sẵn sàng trả giá cao cho thực phẩm sạch, an toàn. Mặc dù vậy, ông Long vẫn chọn hướng sản xuất này với mong muốn tạo nên sản phẩm sạch, nhưng lại có giá phải chăng đến tận từng bữa ăn gia đình.
* Chọn gà công nghiệp vì… khó nuôi
Cơ duyên nào khiến ông gắn bó với con gà công nghiệp hơn 20 năm qua?
Tôi là người cầu toàn nên luôn nỗ lực cải tiến từ quy trình chăn nuôi đến khâu giết mổ, đưa ra thị trường. Sản phẩm thịt gà Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình chỉ mới được thị trường biết đến khoảng đôi ba năm trở lại đây dù tôi đã bỏ ra gần 10 năm âm thầm kiên trì theo con đường sản xuất sạch. Với tôi, những cái giá đã trả là điều xứng đáng và còn cần rất nhiều nỗ lực cải tiến chuỗi sản xuất để sản phẩm an toàn, có mức giá thành cạnh tranh nhất, phù hợp với túi tiền của mọi người nội trợ. |
- Tôi chọn học ngành chăn nuôi và thú y vì yêu thích công việc này. Ra trường, tôi làm việc cho một tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi. Ban đầu tôi chọn con heo nhưng rồi lại thích con gà vì giống vật này... khó nuôi hơn.
Năm 1998, tôi nghỉ việc và lập trang trại nuôi thử nghiệm gà lông trắng. Những lứa nuôi đầu tiên liên tiếp gặp thất bại. Thất bại là do mình làm không đúng thì phải học hỏi tiếp. Có thời gian tôi trực 24/24 giờ trong trại gà để tìm hiểu sự thay đổi của tiểu khí hậu trong chuồng. Tôi cũng tự bỏ tiền sang Thái Lan để tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi của họ. Hơn 20 năm qua, có lúc suôn sẻ thuận lợi, có lúc khó khăn đến mức muốn treo chuồng nhưng tôi vẫn không từ bỏ, một mặt do kinh nghiệm ngày càng nhiều lên, tôi có thêm nhiều ý tưởng để giảm giá thành, tăng chất lượng cho sản phẩm thịt gà. Mục tiêu của tôi là tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng giá cả phải chấp nhận được để người mua không phải quá đắn đo khi chọn hàng sạch.
Tại sao ông chọn hướng nuôi gà VietGAP - hướng đi tương đối khó khăn lúc bấy giờ?
- Năm 2010 tôi bắt đầu làm VietGAP cho con gà. Thời đó VietGAP chỉ mới manh nha, hầu như trong lĩnh vực chăn nuôi chưa mấy ai quan tâm. Khái niệm VietGAP, GlobalGAP chủ yếu chỉ các sản phẩm trái cây, rau củ xuất khẩu. Trong ngành nên tôi hiểu và không an tâm đối với việc lạm dụng kháng sinh và những hóa phẩm sinh học dù đều được phép sử dụng. Thực hiện chăn nuôi VietGAP, rất nhiều hóa phẩm, dược phẩm thú y đều bị cấm sử dụng. Tôi đầu tư làm VietGAP vì muốn làm ra sản phẩm an toàn vừa hoàn chỉnh quy trình chăn nuôi đạt nhiều mục tiêu về quản lý, kiểm soát dịch bệnh và tiết kiệm chi phí.
Lúc bắt tay vào làm rất khó khăn. 50% nhân sự tại các trại xin nghỉ vì yêu cầu sản xuất theo quy trình này quá khắt khe, nhất là phải học cách sử dụng, nhập dữ liệu vào máy tính; hàng ngày phải ghi chép chi tiết mọi hoạt động của trại... Có những buổi, quản lý hoặc nhân viên bật khóc ngay trong phòng họp vì tức nhưng tôi vẫn kiên trì suốt 2 năm như thế để thuyết phục mọi người đi theo VietGAP.
* Sẽ tiếp tục theo đuổi sản xuất sạch
Câu chuyện nuôi gà và tìm thị trường cho gà VietGAP có những thử thách nào? Ông chào bán những sản phẩm đầu tiên của mình ra sao?
- Đến năm 2013, tôi mới lấy được chứng nhận VietGAP. Đạt chứng nhận đã khó, kiên trì giữ càng khó hơn. Và có giai đoạn, chương trình VietGAP bị phá sản vì nhiều người đăng ký tham gia rồi không kiên trì giữ được vì quá khó, quá tốn chi phí đầu tư mà đâu mấy ai quan tâm, thị trường lại vàng thau lẫn lộn. Những năm đầu, tôi chỉ bán gà lông, cũng không có mức giá riêng cho sản phẩm sạch và hầu như đâu ai biết trại của mình nuôi gà VietGAP. Khi thấy con gà nuôi ra bị o ép, tôi hợp tác với một số anh em đầu tư lò giết mổ lifsap, hợp tác với Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (vốn kinh doanh về mặt hàng gà thịt) để mở chuỗi các cửa hàng bán thịt gà sạch. Thời gian đầu, chúng tôi phải lặn lội đi tìm khách hàng, thịt gà VietGAP cũng cung cấp ra chợ hoặc bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nên hầu như người tiêu dùng chưa mấy biết tiếng.
Chỉ đến khi doanh nghiệp đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn của TP.Hồ Chí Minh thì người tiêu dùng mới biết về sản phẩm. Hiện chúng tôi đang đàm phán với các đối tác để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị và một số chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Trong chuỗi 7 cửa hàng Long Bình tại TP.Hồ Chí Minh, sản phẩm gà sạch được chúng tôi bán đến tay người tiêu dùng với giá chỉ cao hơn hàng thường khoảng 10%. Chi phí này không phải cho sản xuất VietGAP mà bao gồm cả chi phí chuẩn hóa đầu tư từ khâu giết mổ đến bao bì, kinh doanh. Chúng tôi cũng đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, đồng thời vẫn tiếp tục nỗ lực cải tiến chuỗi sản xuất để sản phẩm có giá thành cạnh tranh nhất.
Ông thử nêu 3 điểm mạnh nhất và 3 điểm yếu nhất của chăn nuôi Việt Nam trong cạnh tranh?
- 3 điểm mạnh của ngành chăn nuôi nội địa là: người chăn nuôi mình thông minh, chịu khó học hỏi và nhanh nhạy trong việc nắm bắt, đưa công nghệ mới vào đầu tư chăn nuôi. Thứ 2 là họ hiểu, nắm bắt đúng và kịp thời thị hiếu của người tiêu dùng. Và vì ở sân nhà nên họ nắm rõ mọi ngóc ngách thị trường nhanh nhất. Chi phí đầu tư trong chăn nuôi, như: nhân công, mặt bằng... của ta không quá cao so với mặt bằng chung thế giới.
Điểm yếu là tình trạng cho phép nhập khẩu gà tràn lan mà thiếu kiểm soát về xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng; tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng cho chăn nuôi trong nước. Thứ 2 là về mặt thủ tục, hồ sơ đầu tư trong lĩnh vực này còn quá nhiêu khê, rườm rà làm mất đi cơ hội đầu tư và thậm chí là hủy diệt hẳn cơ hội của doanh nghiệp, người chăn nuôi. Thứ 3 là hạ tầng khu khuyến khích chăn nuôi chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, như: điện 3 pha, đường giao thông nông thôn...còn rất hạn chế. So sánh cho thấy vận chuyển 1 container hàng bằng đường biển từ Singapore về Việt Nam thậm chí còn rẻ hơn vận chuyển bằng đường bộ từ TP.Hồ Chí Minh đi Đồng Nai, Vũng Tàu vì trạm thu phí dày đặc. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của chúng ta còn quá phụ thuộc vào nhập khẩu cũng là khó khăn không nhỏ.
Về cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong thời hội nhập, ông thấy mình bi quan hay lạc quan?
- Khi đã có thương hiệu, chúng tôi vẫn không chọn hướng mở rộng thị trường một cách ồ ạt vì chỉ sử dụng nguồn gà VietGAP trong hệ thống trang trại do mình đầu tư. Ngoài yếu tố sản phẩm sạch, yêu cầu khắc nghiệt hơn là thị hiếu người tiêu dùng, và nhà sản xuất phải đáp ứng được yêu cầu này thì mới cạnh tranh được với gà nhập khẩu. Chúng tôi kiểm soát từ khâu nuôi đảm bảo thịt vẫn có độ dai, độ dẻo; giết mổ đủ sản lượng tiêu thụ hàng ngày, không trữ đông lâu nên thịt đến tay người tiêu dùng vẫn mềm, vẫn tươi. Chính vì vậy, có một giai đoạn gà nhập chiếm lĩnh thị trường, nhất là trong các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học. Nhưng bây giờ, nhiều trường học đã đặt hàng của chúng tôi với số lượng lớn và gắn bó lâu dài. Để cạnh tranh, chúng tôi sẽ không ngừng cải tiến nhằm tạo ra sản phẩm sạch, có mức giá phù hợp nhất với túi tiền của người Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Quy hoạch chăn nuôi của địa phương hiện chưa sát với nhu cầu thực tế của người chăn nuôi. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ vẫn nằm trên giấy và còn rất xa với thực tế vì không có nguồn kinh phí đầu tư cho chăn nuôi, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là nên miễn, giảm thuế cho chăn nuôi và giảm bớt về mặt thủ tục hiện còn như một “mê hồn trận”. Đơn cử, để xây dựng một lò giết mổ, chúng tôi phải mất hàng năm xin thủ tục qua rất nhiều sở, ban, ngành khác nhau và chỉ cần mắc ở một khâu là cả dự án đình trệ. |
Lê Quyên - Vi Lâm (thực hiện)