Trong những năm qua, Đồng Nai tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và cả nước, trong đó sự đóng góp rất lớn của các khối doanh nghiệp và sự nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nhân.
Sản xuất dây điện cho ngành điện tử tại Công ty TNHH Chemtrovina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). |
Để ghi nhận những đóng góp đó, hôm nay 13-10 kỷ niệm lần thứ 12 Ngày Doanh nhân Việt Nam, Đồng Nai đã tổ chức lễ tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Đồng Nai lần thứ VI-2016. Đây là những “gương mặt” tiêu biểu trong suốt 3 năm qua.
Ổn định kinh tế
Nhìn từ nhiều góc độ, việc làm giàu của các doanh nhân và sự phát triển mạnh của doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho riêng bản thân mà còn cho cả xã hội. Những đóng góp tích cực đó của các doanh nghiệp đã ghi dấu ấn đậm nét cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt là ở những năm kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp khó khăn.
Trong số hơn 1 ngàn hộ dân ở xã Phú Lợi (huyện Định Quán) đang là khách hàng của Quỹ tín dụng nhân dân Đại Lợi, có trên 50% là vay phục vụ nông dân sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm vùng này là phần lớn đồng bào dân tộc Hoa, nhiều hộ còn khó khăn, khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng không mấy dễ dàng. Ông Lưu Nhật Tường, Phó giám đốc quỹ, cho biết khó khăn ở đây không chỉ là điều kiện thế chấp vay vốn mà còn cả việc nhiều người dân không biết chữ, nên hồ sơ thủ tục cho vay đòi hỏi cán bộ tín dụng phải kiên nhẫn giải thích và có những hỗ trợ nhiều cho khách hàng. “Nhiều hộ dân ở xã Phú Lợi mấy năm trước đây vay vốn từ quỹ về làm ăn nay trở thành người đi gửi tiền vào quỹ. Huy động của quỹ hiện tại vượt mức dư nợ” - ông Tường chia sẻ. Dù là cho vay ở địa bàn khó khăn như vậy, song nợ xấu của Quỹ tín dụng nhân dân Đại Lợi lại ở mức rất thấp, chỉ chiếm 0,07% trên tổng dư nợ.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) không chỉ là doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nguồn ngân sách hàng năm của tỉnh mà còn giải quyết ổn định một lượng lớn lao động. Ông Bang Jin Woo, Tổng giám đốc công ty, cho biết vào những năm kinh tế thế giới khó khăn, để tạo đủ công ăn việc làm cho hơn 22 ngàn công nhân (số liệu năm 2013, nay là 26 ngàn lao động) không phải đơn giản, ban giám đốc công ty đã phải hết sức nỗ lực. Doanh nghiệp cũng được đánh giá là đơn vị làm tốt công việc chăm lo đời sống cho người lao động. Dù khó khăn nhưng thu nhập của người lao động vẫn tăng đều, cụ thể bình quân năm 2013 là hơn 5 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2015 lên đến hơn 6,8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài hoàn thành tốt các chính sách của Nhà nước thì Chang Shin Việt Nam mỗi năm cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để cùng địa phương thực hiện các công tác từ thiện xã hội. Lãnh đạo công ty cũng cho biết thêm, doanh nghiệp đã định hướng phải làm tốt mọi việc để nâng cao thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Sản xuất động cơ tại Công ty máy nông nghiệp miền Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). |
Quỹ tín dụng nhân dân Đại Lợi hay Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam chỉ là điển hình trong nhiều doanh nghiệp có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mỗi doanh nghiệp có những đặc thù riêng, song tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh đều đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình trong suốt 3 năm qua, như: Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã tạo được bước đột phá trong lĩnh vực lắp ráp, kinh doanh ô tô; Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) chuyên về kinh doanh bất động sản và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hay Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp Miền Nam, chuyên sản xuất và kinh doanh động cơ phục vụ nông nghiệp đã đưa được máy thương hiệu Việt ra nước ngoài trong nhiều năm liền…
Hoàn cảnh mới, vị thế mới
Những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân nhiều năm qua đã được cả xã hội ghi nhận là giới có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây được xem là đội ngũ tiên phong trong phát triển kinh tế để đưa đất nước thoát khỏi nghèo và chủ động hội nhập với quốc tế.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết đầu tháng 10-2016, UBND tỉnh cũng vừa phát động phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đến năm 2020 trên toàn tỉnh có khoảng 32 ngàn doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cũng đánh giá cao về tốc độ phát triển doanh nghiệp trong những năm qua đạt cả về lượng lẫn chất. “Cộng đồng doanh nghiệp phát triển rất tốt đã có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế; tích cực trong giải quyết việc làm, tham gia xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nói.
Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua tỉnh đã cùng doanh nghiệp gỡ những khó khăn để tạo cơ hội tốt nhất cho nhà đầu tư. Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho hay đã có những bộ hồ sơ cấp phép cho nhà đầu tư vào các khu công nghiệp chỉ trong vòng 24 giờ, và có những hồ sơ tỉnh đã cùng nhà đầu tư đi “gõ cửa” các bộ, ngành ngoài Trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp. Đấy cũng là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường cho nhà đầu tư đến làm ăn.
Trong một giai đoạn còn đầy những khó khăn, như: lãi suất ngân hàng cao; thị trường còn bấp bênh do ảnh hưởng của hoàn lưu khủng hoảng kinh tế thế giới; chính sách có nhiều thay đổi, thế nhưng các doanh nhân vẫn lèo lái doanh nghiệp vượt qua thách thức để làm giàu cho mình và cho xã hội, góp phần đưa kinh tế của tỉnh hàng năm phát triển cao. Chính phủ cũng đã đánh giá Đồng Nai là tỉnh có nguồn thu ngân sách bền vững do không dựa vào tài nguyên khoáng sản mà chỉ dựa vào sản xuất. Nhiều năm qua, Đồng Nai luôn là tỉnh đứng trong tốp đầu về nộp ngân sách cho Trung ương. Qua đây cho thấy vị thế của các doanh nghiệp, doanh nhân đã được khẳng định.
Toàn tỉnh có trên 27 ngàn doanh nghiệp Theo thống kê, toàn tỉnh có trên dưới 27 ngàn doanh nghiệp, trong đó đông đảo nhất là khối doanh nghiệp dân doanh với gần 25.600 doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký gần 152 ngàn tỷ đồng. Số lượng đứng thứ 2 là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có 1.240 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 25,27 tỷ USD. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển rất hiệu quả và là khối dẫn đầu trong các hoạt động, như: đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm, đổi mới công nghệ. Lực lượng doanh nghiệp khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực đã tạo sự sinh động trong phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, mức tăng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) bình quân từ năm 2013-2015 là 8%; quy mô GRDP theo giá thực tế năm 2015 đạt gần 200 ngàn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010; thu ngân sách năm 2015 đạt trên 24.200 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giai đoạn này cũng tăng 9%; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân trên 11%. Các doanh nghiệp trong tỉnh hàng năm đã giải quyết việc làm cho hơn 90 ngàn lao động. |
Khắc Giới