Kinh tế

Thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn

Thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm đến việc thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư nhưng hiện có một số DN, tập đoàn lớn đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Tập đoàn Vingroup đồng hành với nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tập đoàn Vingroup đồng hành với nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nhờ sự tham gia đầu tư của DN, một số dự án cánh đồng mẫu lớn đã hình thành và bước đầu đạt hiệu quả tốt. Trong đó, DN thật sự đồng hành với nông dân hình thành nên nền sản xuất mới ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, cho ra sản phẩm an toàn.

Nông dân kiểu mới

Tập đoàn Vingroup đang thực hiện chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”. Chương trình sẽ liên kết với 1 ngàn hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Dự kiến trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình, Vingroup sẽ dành nguồn kinh phí khoảng 300 tỷ đồng hỗ trợ nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến. Trong đó, DN rất chú trọng xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng và trang thiết bị nhằm ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin bằng smartphone. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup: “Mục tiêu lớn nhất của chương trình là cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Thứ hai là hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, qua đó từng bước xây dựng được các thương hiệu nông sản Việt có tầm quốc tế”.

Theo các chuyên gia kinh tế, thu hút được DN đầu tư, gắn bó lâu dài vào nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi liên kết bền chặt với nông dân là yếu tố then chốt làm thay đổi nền nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay. Và thực tế đã chứng minh, chỉ DN mới định hướng được sản phẩm đầu vào và đưa khoa học - công nghệ đến với nông dân vì tổ chức được thị trường đầu ra. Ở đây, yếu tố rất quan trọng là sự hỗ trợ về mặt chính sách cho DN đầu tư vào nông nghiệp.

Những DN đầu tư với mục tiêu gắn bó lâu dài với nông dân, với lĩnh vực nông nghiệp đều rất quan tâm đến công tác đào tạo để hình thành lớp nông dân kiểu mới, chuyên nghiệp hơn đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn. Trung tâm phát triển ca cao (CDC) do Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam (tỉnh Lâm Đồng, thuộc Tập đoàn ECOM, Thụy Sĩ) và Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cùng đầu tư dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Trung tâm sẽ cung cấp những kiến thức chuẩn về quy trình trồng ca cao cho nông dân; hình thành nên một đội ngũ nông dân kỹ thuật nòng cốt, và đây sẽ là đội ngũ chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật cho các nông hộ trồng ca cao khác; qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng ca cao, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho cây trồng này. Đội ngũ nông dân nòng cốt này cũng có thể trở thành các đại lý vệ tinh của DN để cung cấp giống, thu mua trái ca cao trong dân.

Ông Yessa Tuegeh, đại diện Tập đoàn ECOM châu Á, cho biết ECOM đã thành lập nhiều CDC tại các quốc gia trên thế giới, như: Bờ Biển Ngà, Mexico, Indonesia... Các CDC này đã được thành lập tại một số tỉnh: Bình Phước, Đắk Lắk... do một số tập đoàn, DN hoạt động trong lĩnh vực ca cao đầu tư. Ông Yessa Tuegeh thừa nhận: “Thực tế, khoảng 50% các CDC được thành lập hoạt động không hiệu quả, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục mở thêm những trung tâm mới. Vì các CDC do chúng tôi thành lập không chỉ đào tạo cho nông dân đang trồng ca cao, mà còn thu hút rất đông học sinh là con em những gia đình trồng ca cao tham gia. Có thể nói, chúng tôi đang góp phần đào tạo và khơi dậy niềm đam mê về cây ca cao cho những lớp nông dân kế tiếp sau này”.

Cần chính sách hỗ trợ của nhà nước

Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học DONA - TECHNO (TX.Long Khánh) là một trong những DN đi tiên phong của tỉnh trong việc xây dựng chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. DN này đã phát triển được diện tích hàng ngàn hécta sầu riêng, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và đưa trái sầu riêng Đồng Nai vào thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học DONA - TECHNO (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Hơn 20 năm theo đuổi và xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho trái sầu riêng, DN phải “trả giá” rất nhiều và hầu như chưa tiếp cận được một chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước. Thậm chí để được công nhận bộ giống mới, chúng tôi gặp rất nhiều rào cản về mặt thủ tục hành chính. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai dự án liên kết nông dân sản xuất tiêu sạch cũng vẫn rất khó tiếp cận vì những chính sách ưu đãi của Nhà nước còn xa rời thực tế”.

Khó khăn của Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú) sau thời gian nỗ lực mở thị trường là không đủ nguồn rau quả sạch cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu. Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận, cho hay: “DN rất mong muốn xây dựng được chuỗi liên kết bền chặt với nông dân để hình thành được những cánh đồng mẫu lớn, đảm bảo về sản lượng và chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu. Nhưng để thực hiện mục tiêu này, chỉ DN với nông dân chưa đủ. Ở đây, DN cần những chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn của Nhà nước, nhất là vấn đề tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi trong xây dựng chuỗi liên kết với nông dân...”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,989,235       717