Kinh tế

"Say" hội nhập, "quên" nội lực

Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng thời gian qua Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia hội nhập kinh tế với thế giới, tuy nhiên lại không đầu tư cho nội lực...

ẫn đến nghịch lý là dù các cơ hội có đến nhưng cũng ít doanh nghiệp khai thác được.

Sản xuất vi mạch điện tử tại Công ty TNHH Chemtrovina.
Sản xuất vi mạch điện tử tại Công ty TNHH Chemtrovina.

Theo một số chuyên gia đến từ  Viện Chính sách công, Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh hay chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.Hồ Chí Minh, để nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp phải được bước bằng “2 chân”: hội nhập và nội lực trong nước.

Hưởng lợi ít

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, cho rằng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn nhưng giá trị được hưởng lợi lại rất nhỏ. Ông lấy ví dụ, hàng năm lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ chiếm tới 25% của các nước ASEAN xuất khẩu vào quốc gia này. Thế nhưng, 70% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 90% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác vào để sản xuất. Như vậy, thực chất giá trị trong một sản phẩm hàng doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi là rất thấp.

Điều ông Herb Cochran chia sẻ cũng tương tự quan điểm của các chuyên gia kinh tế trong nước. Bởi thực tế, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, gia công là chủ yếu. Ngay cả sản phẩm công nghệ cao cũng chỉ là lắp ráp, đơn cử như hàng điện tử của Samsung là công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng trong từng sản phẩm cũng rất thấp.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.Hồ Chí Minh, cho hay tỷ lệ hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã ký cũng không cao, đây là do năng lực yếu. TS.Anh đưa ra ví dụ, kể cả khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được thực hiện và ngành tưởng chừng là hưởng lợi nhiều nhất là dệt may do thuế giảm 17%, nhưng xét kỹ như hiện nay cũng không được hưởng lợi nhiều. Cụ thể, hiện 60% xuất khẩu dệt may đang vào các nước trong khối TPP, 40% còn lại là ngoại khối TPP. Tuy nhiên, 70% bông xơ sợi lại nhập khẩu từ các nước ngoài TPP là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ. Theo thống kê của ngành dệt may, hiện chỉ có khoảng 5% nguyên phụ liệu nhập từ các nước nội khối TPP. Như vậy, khai thác được lợi thế của hội nhập nếu không có năng lực sẽ không dễ.

Cần cải cách quyết liệt

Nhiều ý kiến nhận định, cái cần nhất trong hội nhập của Việt Nam là cải cách thể chế để doanh nghiệp vươn lên, tạo ra nội lực tốt, lúc đó mới khai thác được những cơ hội từ hội nhập.

Bà Almut Roessner, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), cho hay khi các FTA được ký kết thì thuế quan được giảm, nhưng điều quan trọng hơn là doanh nghiệp Việt Nam có đủ lực để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sản xuất hay không. “Chúng tôi đang phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Việt Nam  ở một số lĩnh vực. Từ đó, doanh nghiệp mới có nội lực từ trong nước để nắm bắt những cơ hội do hội nhập mang lại” - bà Almut Roessner nói.

Theo ông Herb Cochran, Nhà nước cũng cần quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Ông Herb Cochran dẫn chứng một lô hàng xuất khẩu đi từ Cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến bờ Tây nước Mỹ chỉ mất 15 ngày, nhưng vào thời điểm năm 2013 để thông xong quan lô hàng, doanh nghiệp phải mất 21 ngày. Hiện tại, Việt Nam đặt mục tiêu là dưới 10 ngày, nhưng theo ông Herb Cochran như vậy vẫn còn dài, việc thông quan chỉ ở mức dưới 48 giờ phải xong, lúc đó mới cạnh tranh được. Ông Đậu  Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI, cũng nhận xét nội lực trong nước là hết sức quan trọng để bắt nhịp được với “sân chơi” hiện nay, muốn vậy từ Chính phủ đến các địa phương cần tạo được môi trường tốt để doanh nghiệp phát triển tạo ra những nguồn lực mới. 

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,993,367       436