Kinh tế

Đưa dân ra khỏi lõi rừng

Dự án di dời dân ra khỏi rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được lên kế hoạch cách đây gần 10 năm nhưng hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Hiện tại, huyện Vĩnh Cửu quyết tâm đưa những hộ dân sinh sống trong vùng lõi rừng của khu bảo tồn ra ngoài sinh sống.

Khu tái định cư ở KP.1, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), nơi sẽ bố trí cho các hộ dân trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đến sinh sống.
Khu tái định cư ở KP.1, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), nơi sẽ bố trí cho các hộ dân trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đến sinh sống.

Để thực hiện việc đưa 50 hộ dân ở vùng lõi rừng này ra bên ngoài sinh sống, UBND huyện Vĩnh Cửu đã và đang chuẩn bị khá căn cơ. Huyện thuê hẳn đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng dự án có tính khoa học để công tác thực hiện có tính khả thi cao.

Ở nơi “5 không”

Khu dân cư khu vực Rang Rang, Be 18, ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu nằm trong vùng lõi rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Theo thống kê mới nhất của đơn vị tư vấn (Trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ - Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh), nơi đây có 50 hộ dân chính và 26 hộ dân phụ với 228 nhân khẩu sinh sống. Nơi đây được mệnh danh vùng “5 không”: không đường, không trường, không trạm y tế, không điện và không nước sạch. Người dân ở đây mỗi lần khám bệnh phải đi 35km mới đến được trạm y tế xã. Việc đến trường của học sinh cũng vất vả không kém, học sinh tiểu học phải đi hơn 10km mới đến được trường, học sinh THCS đi học với khoảng cách 35km và học sinh THPT đi học cách trường 40km.

Đây cũng là lý do khiến các em học sinh trong khu vực này bỏ học rất sớm do đi học xa và ít gia đình có điều kiện cho con em ở trọ. Ông Tô Bá Thanh, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết cụm dân cư Rang Rang, Be 18, ấp 5, xã Mã Đà nằm trong khu rừng đặc dụng của khu bảo tồn. Khu vực này giáp với tỉnh Bình Phước được phân cách bằng con suối Mã Đà. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, người dân làm nhà sát suối nên khả năng bị sạt lở, lũ cuốn rất cao. Nhiều người dân nơi đây đi làm thuê bên tỉnh Bình Phước, vào mùa khô bắc cầu tạm qua suối đi, đến mùa mưa đi lại bằng xuồng kéo rất nguy hiểm.

An dân và giữ rừng

Theo Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Tô Bá Thanh, để người dân sinh sống trong vùng lõi của khu bảo tồn là không ổn, trái với quy định và rất dễ gây nguy hại cho rừng, đặc biệt là tình trạng cháy rừng.

Chia sẻ về dự án di dời các hộ dân khu vực Rang Rang, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa cho rằng rừng ở đây không còn riêng của huyện Vĩnh Cửu hay Đồng Nai mà đã là của cả nước và thế giới, vì vậy bắt buộc phải giữ rừng. Trong khi đó, dân cư ở đây là dân cư của huyện, không thể cứ để người dân sinh sống ở nơi tạm bợ, nhà cửa xập xệ, đời sống khó khăn và có thể nguy hiểm đến tính mạng do ở giữa vùng lõi của khu bảo tồn. Chủ trương của huyện là đưa người dân ở vùng này về nơi ở mới để đời sống người dân tốt đẹp hơn, đồng thời đảm bảo được việc phát triển rừng. 

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi cho biết, đến nay huyện đang hoàn tất phương án di dời dân để trình UBND tỉnh. “Hiện tại, huyện đã chuẩn bị khu tái định cư sẵn sàng ở KP.1, thị trấn Vĩnh An để đón dân ra. Các cơ quan chuyên môn của huyện đang hoàn tất phương án bồi thường nhà cửa, cây trồng và hỗ trợ di dời cho dân, dự kiến cuối tháng 9-2016 trình UBND tỉnh phê duyệt” - ông Phi nói. Cũng theo ông Phi, khó khăn nhất của dự án này là làm sao tạo được điều kiện cho người dân khi đến nơi ở mới có được việc làm, thu nhập ổn định, đây cũng là việc huyện đang phải cân nhắc rất kỹ.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,264,902       1,588