Kinh tế

Bình ổn giá 11 mặt hàng thiết yếu

(ĐN)- Ngày 6-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành, địa phương, hợp tác xã về chương trình bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu.

Nhà sách Fahasa tại Siêu thị Co.op Biên Hòa tham gia Chương trình bình ổn giá sách.
Nhà sách Fahasa tại Siêu thị Co.op Biên Hòa tham gia Chương trình bình ổn giá sách

Trong năm 2015 và 8 tháng đầu năm 2016, chương trình bình ổn giá đã tạo được sự ổn định cho những mặt hàng thiết yếu, không xảy ra tình trạng khan hàng, đẩy giá tăng cao. Có 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, với 106 điểm bán các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá, như: vở học sinh, gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng gà, bột ngọt, nước chấm, thuốc tân dược, sách giáo khoa.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ vốn cho 9 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Đồng Nai với số tiền hơn 21 tỷ đồng để mua hàng hóa dự trữ.  

Theo Sở Công thương, chương trình bình ổn giá thời gian qua còn có những hạn chế như: mạng lưới tham gia chương trình còn mỏng, chủ yếu tập trung ở các khu vực đông dân cư; công nhân các khu công nghiệp chưa tiếp cận được chương trình bình ổn giá nhiều; một số doanh nghiệp rút lui không tham gia chương trình nữa...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lưu ý, từ nay đến năm 2017, Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá 11 mặt hàng thiết yếu trên. Đồng thời, chương trình mời gọi thêm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn trong tỉnh tham gia và mở rộng mạng lưới bán hàng; ưu tiên mở rộng các điểm bán hàng ở vùng sâu, vùng xa và khu vực đông công nhân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công thương có kế hoạch khi xảy ra tình trạng biến động, dịch bệnh sẽ chuẩn bị luân chuyển nguồn hàng để không xảy ra tình trạng sốt giá.

                                                           Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,012,786       491