Kinh tế

Băn khoăn mặt bằng dự án nhà máy nước

Sau khi dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 đưa vào sử dụng vào năm 2014, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tại Việt Nam lại tiếp tục tài trợ vốn cho dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 2

. Dù được đánh giá là bớt phức tạp về công tác đền bù hơn dự án trước nhưng tổ chức này vẫn băn khoăn với tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án.

Một góc Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 đã được đưa vào sử dụng năm 2014.
Một góc Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 đã được đưa vào sử dụng năm 2014.

Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng thường kéo dài làm đội vốn đầu tư luôn là nỗi ám ảnh của Jica. Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu ở các dự án mà Jica thường đặt vấn đề là về giải phóng mặt bằng.

“Chim sợ cành cong”

Vừa đến Đồng Nai, ông Yasuo Fujita, Trưởng đại diện Jica Việt Nam, đã vội đi thăm ngay Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 và kiểm tra sơ bộ mặt bằng để chuẩn bị xây dựng Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 2. Ông Yasuo Fujita đánh giá khá tốt công tác vận hành khai thác nước ở nhà máy cũ, cũng như công tác chuẩn bị đất để lắp đặt máy cho dự án tiếp theo là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, khi xem đến báo cáo ông Yasuo Fujita không khỏi băn khoăn khi còn tới 12 hécta đất của dự án vẫn chưa được giải phóng mặt bằng xong. “Giai đoạn 1 bị chậm trễ phải kéo dài dự án đến 15 năm mới hoàn thành, phần lớn do vướng mắc đền bù đất. Hiện tại nhà máy chuẩn bị xây dựng, nhưng việc giải phóng mặt bằng của dự án vẫn chưa hoàn tất nên tôi khá lo” - Trưởng đại diện Jica Việt Nam Yasuo Fujita giãi bày.

Dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 2 có công suất 100 ngàn m3 nước/ngày đêm, được đầu tư với số vốn hơn 3.567 tỷ đồng, tương đương với 17,983 tỷ yên Nhật Bản. Vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản ở dự án này là 85% (hơn 3 ngàn tỷ đồng, tương đương 15,286 tỷ yên), còn lại vốn đối ứng của Việt Nam là 15%. Thời gian thực hiện dự án là 7 năm, từ năm 2015-2021, hiện đang ở giai đoạn thực hiện đấu thầu thiết bị và thi công xây dựng.

Trưởng đại diện của Jica cũng cho biết, sắp tới ông sẽ làm việc cụ thể với ban quản lý dự án để nắm rõ hơn về công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ, bởi ông rất ngán ngại sự lặp lại như dự án trước là chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ông Yasuo Fujita nhấn mạnh: “Không riêng dự án ở Đồng Nai mà có tới 90% dự án ở Việt Nam do Jica tài trợ vốn bị chậm tiến độ chủ yếu là do vướng mặt bằng”.

Cam kết tiến độ

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho hay, dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch ở giai đoạn 2 công tác giải phóng mặt bằng không phức tạp như giai đoạn 1, bởi phần đất để xây dựng nhà máy và đường ống dẫn nước chính được thừa hưởng từ giai đoạn 1 nên đã có sẵn mặt bằng để thi công.

Ông Phan Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, chủ dự án cho biết diện tích đất khoảng 12 hécta chưa giải phóng xong mặt bằng thuộc 4 tuyến ống nhánh, trong đó 3 tuyến tại huyện Long Thành và 1 tuyến ở huyện Nhơn Trạch với tổng chiều dài gần 40km, chiều ngang 3m. Cụ thể, tuyến ống nhánh D400 vào Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành) có chiều dài hơn 5km; tuyến nhánh D500 vào Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) dài gần 8km; tuyến ống D500 vào khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành) dài gần 13km và tuyến ống D500 vào Khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) dài hơn 11km.

Hiện tại, diện tích đất của các tuyến ống nhánh này đang được 2 huyện thực hiện công tác bồi thường và sẽ kịp trước khi nhà máy khởi công xây dựng. “Trước đây, khi đại diện của JiCa đi khảo sát cũng đánh giá các tuyến ống này chủ yếu nằm trên đất trồng cây và công trình phụ, không phải di dời căn nhà nào nên dễ dàng hơn so với dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1” - ông Phan Hùng chia sẻ. UBND tỉnh cũng cam kết việc giải phóng mặt bằng dự án này sẽ được 2 huyện nói trên đốc thúc để không làm chậm đến tiến độ của dự án.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,274,016       1,563