Kinh tế

Cuộc chơi" của thời trang Việt

Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu, hàng hóa nước ngoài tràn vào thị trường nội địa. Để giữ được thị phần trong nước, nhiều thương hiệu Việt trên lĩnh vực may mặc, giày dép, túi xách đã tìm hướng đi riêng nên vẫn được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Sifa là thương hiệu may mặc Việt nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.
Sifa là thương hiệu may mặc Việt nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Thương hiệu Việt chuyên quần áo mặc ở nhà. Ảnh: H. Giang

Đồng Nai là nơi được nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng chọn mở các cửa hàng để giới thiệu và bán sản phẩm cho người tiêu dùng, như: Vascara, Sơn, Sifa, MARC, PT 2000, Blue Exchange, Gia Hồi, An Phước, Jean Phong Phú, Ha Gattini, Sofia, NEM... Hàng nhập khẩu tràn về ngày một nhiều, song các thương hiệu Việt vẫn phát triển nhờ luôn chú ý đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng.

* Thị trường ổn định

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2016 Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức hoạt động và một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ khiến hàng ngoại tràn đầy Việt Nam và giá tương đối cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn ngay sân nhà trong cuộc chiến dành thị phần. Nhưng thực tế đã khẳng định, nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng trên lĩnh vực may mặc, giày dép, túi xách vẫn tăng doanh thu, mở rộng sản xuất - kinh doanh và mở thêm các chuỗi cửa hàng. Ví như: Sifa hiện có gần 90 cửa hàng trong cả nước, riêng Đồng Nai có 4 cửa hàng; Vascara có 2 cửa hàng; nón Sơn có 3 cửa hàng tại TP.Biên Hòa...

Chị Phạm Thị Kim Loan, phụ trách cửa hàng MARC trên đường Phạm Văn Thuận, KP.1, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), cho hay: “MARC giữ chân khách hàng cũ và có thêm nhiều khách hàng mới là vì luôn chú ý đến các thiết kế phù hợp với xu hướng chung mà vẫn giữ được nét riêng. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng là một trong những yếu tố sống còn của thương hiệu nên dù hàng Thái Lan và hàng hiệu các nước khác tràn về, công ty vẫn mở rộng được thị trường trong nước và tăng doanh thu”.

Theo Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Dương Minh Dũng, từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đã phát hiện thu giữ nhiều lô hàng quần áo, giày dép giả nhãn hiệu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra nhằm bảo vệ các thương hiệu Việt.

Theo chủ các thương hiệu hàng Việt nổi tiếng, doanh nghiệp giữ được thị trường trong nước và tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh là nhờ biết khai thác những “ngách” riêng. Vì đều là người Việt nên các doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt được xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng để thiết kế những sản phẩm theo mùa phù hợp, tiện lợi với nhiều lứa tuổi, đồng thời giá các sản phẩm thương hiệu Việt khá cạnh tranh. Điều này các thương hiệu nước ngoài thường làm không tốt bằng các thương hiệu Việt.

Chị Hồ Thị Khánh Ly, nhân viên bán hàng cửa hàng Giahoi (thuộc Công ty TNHH Gia Hồi), cho biết: “Trước đây, Giahoi chỉ bán hàng ở Đồng Nai qua kênh siêu thị. Nhưng gần đây, công ty đã mở thêm cửa hàng tại đường 30-4, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) để khách hàng có nhiều cơ hội mua sắm và chọn lựa các mẫu mã mới và hưởng các chương trình ưu đãi, giảm giá sâu”. Với trên 200 mẫu quần áo ngủ, đồ bộ mặc ở nhà với những thiết kế riêng cho nhiều lứa tuổi từ trẻ em đến người già, cả nam và nữ, thương hiệu Giahoi đã đứng vững trên thị trường nội địa với 19 cửa hàng từ Bắc vào Nam và gần 100 đại lý phân phối chính.

* Lo hàng giả

Vấn đề nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng lo lắng nhất không phải là hàng nhập khẩu mà là hàng giả thương hiệu. Vì hàng giả thương hiệu không phát hiện kịp thời sẽ khiến các doanh nghiệp Việt điêu đứng do bị ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín trên thị trường. Khảo sát tại một số chợ tự phát, điểm bán hàng di động ở khu vực đông dân cư sẽ thấy hàng bị giả thương hiệu được bán khá nhiều, giá chỉ bằng 30-50% so với hàng thật và những người bán này luôn dùng chiêu hàng tồn kho giảm giá, hay công ty đang có đợt khuyến mãi giảm giá sâu. Nhiều người tiêu dùng vì ham rẻ đã vô tình nối tay cho hàng giả nhãn hiệu. Phía các thương hiệu ngoài việc mất uy tín còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang nón Sơn (TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Do có sự chuẩn bị, nghiên cứu thị trường từ trước nên các thiết kế của nón Sơn mang phong cách riêng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, không bị ảnh hưởng của hàng nhập khẩu. Nhưng công ty lại lo lắng nhất là hàng giả, nhái nhãn hiệu nón Sơn ngày càng tinh vi. Thời gian qua, công ty đã phối hợp với ngành chức năng phát hiện thu giữ hàng giả thương hiệu nón Sơn để xử lý”. Theo ông Tý, hiện nón Sơn đã có khoảng 120 cửa hàng trên toàn quốc, khách hàng nên đến trực tiếp các cửa hàng chính hãng để tránh mua phải sản phẩm giả.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,286,479       1,443